Tăng trưởng đột biến, thị trường bị "nghẽn mạng", mong chờ hạ tầng mới

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh ngay trong giai đoạn kinh tế thế giới suy giảm vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, hạ tầng vận hành thị trường đã gây tình trạng tắc nghẽn, ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà đầu tư.

2 tháng liên tiếp tăng trưởng mạnh nhất thế giới

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết tháng 11/2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt con số kỷ lục, với 332.886 tài khoản. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản. Thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục, xuất hiện phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng trên hai sàn vào ngày 15/6/2020. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường lại tăng trưởng hơn 60% so với thời điểm VN-Index xuống thấp nhất, thanh khoản tăng cao. Theo thống kê, Top 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường có số lượng lệnh tăng từ 3 - 12 lần. Đặc biệt, sự tăng trưởng này có sự đóng góp không nhỏ của dòng tiền từ các nhà đầu tư nội.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, việc tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục trong giai đoạn dịch Covid-19 cho thấy trong khó khăn vẫn có những cơ hội. Dịch bệnh Covid-19 khiến giao dịch trên mạng bùng nổ dẫn đến chứng khoán online tăng mạnh. Trong năm, lãi suất tiền gửi giảm cũng khiến dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân có xu hướng dịch chuyển sang kênh chứng khoán. Hiện nay, có khoảng 50 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng mới chỉ có 2,7 triệu tài khoản chứng khoán nên tiềm năng tăng trưởng chứng khoán vẫn còn rất rộng.

Với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong 9 tháng còn lại của năm 2020 với mức tăng trưởng hơn 60% kể từ đáy, và tăng hơn 9% so với cuối năm 2019 (năm 2019 mức tăng trưởng của VN-Index là 7,67%). Đây là diễn biến phục hồi ngoạn mục bất chấp các rủi ro dịch bệnh. Thị trường Việt Nam cũng xác lập kỷ lục 2 tháng liên tiếp (tháng 9 và 10) khi có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới tăng cao chưa từng có. Sự tăng trưởng đột biến này tạo áp lực lên hệ thống giao dịch chứng khoán thời gian gần đây do đường truyền có giới hạn nhất định.

Sau phiên sáng 24/12 VN-index bùng nổ thanh khoản với hơn 12.700 tỷ đồng giao dịch, nhiều nhà đầu tư đã có dự cảm bất an. Khi con số này gần chạm đến ngưỡng 14.000 tỷ đồng, lo lắng của các nhà đầu tư đã trở thành hiện thực. Giá trị giao dịch thị trường trước phiên ATC ghi nhận hiện tượng lệnh mua, bán không thể khớp, thanh khoản nhỏ giọt trong suốt phiên. Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra rất bức xúc vì tình trạng “có tiền, có cổ phiếu mà không thể mua bán được”, “có cổ phiếu mà không bán được”, “ùn tắc không lối thoát” hay thậm chí nghi vấn “rút phích” cũng được đặt ra. Việc nghẽn lệnh khiến cho giao dịch trên sàn HoSE chiều 24/12 không thực sự phản ánh đúng cung cầu thị trường. Thanh khoản phiên chiều sàn HoSE chỉ đạt khoảng hơn 1.500 tỷ so với con số 12.750 tỷ trong phiên sáng.

VN-Index giảm 11,38 điểm (-1,05%) xuống 1.067,52 điểm trong ngày 24/12.

VN-Index giảm 11,38 điểm (-1,05%) xuống 1.067,52 điểm trong ngày 24/12.

Sẽ triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới

Ngày 24/12, tiền lệ chưa từng có trong lịch sử VN-index đó là "cơn mưa" tiền đổ về gây tắc nghẽn toàn hệ thống. Trước đó, trong ngày 17 - 23/12 cũng đã có những sự cố trong quá trình đặt lệnh giao dịch. Tắc nghẽn đã khiến một số công ty chứng khoán phải liên tục gửi thư tới khách hàng với nội dung giải thích về sự cố trong quá trình đặt lệnh. Thậm chí, HSC đã thông báo dịch vụ giao dịch trực tuyến gián đoạn. FPTS thông báo tạm dừng sửa/hủy lệnh trên HOSE từ 10h40’ tới 11h30’ ngày 24/12.

Theo SSI, thông tin khớp lệnh từ HoSE trả về tiếp tục có hiện tượng chậm do hoạt động giao dịch tăng mạnh trong chiều 23/12. Công ty đã phải ra thông báo: “Các lệnh đặt trên sàn HoSE của quý khách trong khoảng thời gian này có thể không được cập nhật đúng trạng thái lệnh hoặc đã được gửi vào sàn nhưng SSI chưa nhận được xác nhận từ Sở”.

Lý giải nguyên nhân tắc nghẽn, ông Lê Hải Trà, Thành viên phụ trách HĐQT của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cho rằng, năng lực dự phòng của hệ thống công nghệ thông tin có giới hạn nhất định. Vì vậy, hệ thống có thể rơi vào tình trạng không thể đáp ứng được yêu cầu khi số lượng lệnh từ đầu năm 2020 tới nay cao hơn 3 - 12 lần so với năm 2019 (theo số liệu do 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường chia sẻ). “Về quy trình đặt lệnh, chỉ khi nào lệnh giao dịch bước chân qua cửa, vào hệ thống của Sở thì chúng tôi mới gửi thông điệp cho các công ty chứng khoán là chúng tôi nhận lệnh. Nếu không nhận được lệnh đó thì chúng tôi không thể xác nhận là đã nhận lệnh” - ông Trà cho hay.

Đại diện của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cho rằng, một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư sử dụng phần mềm giao dịch tự động bằng rô-bốt, thuật toán khiến số lượng lệnh tăng đột biến cũng có thể dẫn tới tình trạng mất kiểm soát.

Trấn an nhà đầu tư, ông Lê Hải Trà cho biết, ngành chứng khoán hiện đã triển khai một dự án công nghệ thông tin với mục tiêu thay đổi toàn bộ nền tảng công nghệ thông tin của hệ thống giao dịch chứng khoán Việt Nam. Hệ thống giao dịch chứng khoán mới sở hữu năng lực cao hơn nhiều lần so với hệ thống hiện tại. Hệ thống này có thể đáp ứng được thanh khoản 20.000 tỷ đồng hoặc hơn thế.

Tuy nhiên, nếu thanh khoản tăng đột biến lên 50.000 tỷ đồng thì cũng chưa biết thế nào, cần trải qua bước kiểm nghiệm cuối cùng mới có thông số cụ thể. Sự tăng trưởng của thị trường rất khó đoán định trong khi cơ sở vật chất đầu tư cho hệ thống giao dịch có hạn.

Ông Trà cho biết thêm, theo kế hoạch hệ thống này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020, nhưng dịch Covid-19 khiến các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc sang Việt Nam chậm trễ, dẫn đến tiến độ triển khai bị trì hoãn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành chứng khoán Việt Nam cần cấp bách triển khai hoàn thành trong năm 2021.

Theo Đời sống
back to top