Tăng lương cho giáo viên, miễn học phí là xu thế tất yếu

Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai nội dung tăng lương cho giáo viên, miễn học phí THCS bị bác bỏ thì không còn lý do gì để sửa luật giáo dục nữa

Thu nhập giáo viên thuộc loại “bét”

Hai nội dung được đặc biệt quan tâm trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục là miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập và tăng lương nhà giáo đều không còn được đề cập trong dự thảo luật cũng như trong tờ trình mà Bộ GD&ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3. Trước đây, ông rất vui mừng vì hai nội dung này được đưa vào luật, nhưng giờ lại không, cảm giác của ông thế nào?

Đây mới là ý kiến của các bộ liên quan. Theo tôi tới đây Quốc hội, Chính phủ phải có ý kiến về vấn đề này. Ngân sách có thể còn khó khăn nhưng cái gì phải đầu tư thì không thể phủ nhận được. Về miễn học phí cho học sinh THCS, sắp tới Luật Giáo dục sẽ phải đưa đưa bậc học THCS là giáo dục bắt buộc.

Như vậy nếu là bậc học bắt buộc tại sao phải đóng học phí. Về thu nhập của giáo viên thì hiện nay thấp nhất trong các ngành, dù trên giấy tờ thì lương ngành giáo dục đứng thứ 14/28 ngành. Các ngành khác còn có khoản nọ khoản kia, thu nhập bên ngoài, trợ cấp, phụ cấp này khác, còn giáo viên thì không có gì ngoài lương. Thưởng Tết các ngành khác có tiền triệu, thậm chí vài chục triệu, vài trăm triệu thì giáo viên chẳng bao giờ có.

Nhưng nếu ngân sách không có khả năng chi trả thì việc tăng lương hay miễn học phí THCS là khó?

Vấn đề tài chính ở ta xưa nay vốn “bí hiểm” lắm. Tôi quen nhiều bạn làm các ngành khác nhau thì thấy là lương của họ cao hơn hẳn lương nhà giáo. Họ không sống bằng lương mà sống bằng thu nhập ngoài lương. Những cái này trong tính toán bậc lương, thu nhập thì lại thường không được công khai. Trong khi đó, ngân sách khó khăn, những khoản đầu tư khác vẫn cứ thực hiện thì tại sao đầu tư cho giáo dục lại không?

Ông có kiến nghị gì?

Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải xem xét vấn đề này. Ở các nước phát triển như Thụy Điển, Phần Lan, ngoài việc miễn học phí, họ còn cung cấp sách học, ăn trưa cho học sinh. Còn ở ta, muốn phát triển giáo dục thì phải đầu tư, không thể nói vì ngân sách khó khăn mà không tăng lương, không miễn học phú ở bậc học bắt buộc. Nếu cứ đà này thì ngành sư phạm sẽ càng thụt lùi, chất lượng giáo dục cũng sẽ đi xuống.

Ngành sư phạm thì dường như đang thụt lùi rồi?

Đúng thế! Hôm qua tôi vừa vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông hiệu trưởng nhà trường cũng nhiều tâm tư. Giờ người ta không coi trọng giáo dục như thế, lương giáo viên thấp như thế, đầu vào thấp như thế… thì khó có chất lượng giáo dục cao được. Không ai nói thẳng ra nhưng thực trạng đúng là như thế.

Đi ngược xu thế, sẽ phải trả giá

Được biết theo giải thích của Bộ Nội vụ thì hiện giáo viên cũng có mức phụ cấp khá cao?

Bộ Nội vụ có giải thích rằng hiện “nhà giáo được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề – là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước” là  không hợp lý. Bởi mức cao nhất 70% là với một bộ phận nhỏ cấp tiểu học, còn như cấp đại học thì phụ cấp chỉ bằng 25%- bằng cấp mà công chức nào cũng được hưởng chứ không cần đến ưu tiên. Như vậy bằng với chỗ thấp nhất, không thể nói đó là ưu tiên hơn được.

Vậy thì chủ trương lương giáo viên “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” trong hệ thống các đơn vị hành chính và sự nghiệp theo Nghị quyết của TƯ nêu là chưa được thực thi?

Dù trong Nghị quyết của Đảng trong suốt 20 năm nhắc đi nhắc lại rằng các cơ quan nhà nước tích cực thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng nhưng đến nay điều này vẫn còn xa vời. Giải thích của Bộ Nội vụ không thỏa đáng vì chưa tương xứng với tinh thần của Nghị quyết

Theo ông, lương giáo viên phải được xây dựng như thế nào?

Tôi cho rằng không chỉ được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà còn cần phải có một thang bảng lương đặc thù dành riêng cho giáo viên. Bởi giáo viên là một nghề đặc thù, gắn với trình độ chuyên môn đào tạo và với một loại hình lao động. Ví dụ như một viên chức bình thường chỉ cần trình độ đại học rồi sau đó tích lũy kinh nghiệm, được nâng cao về trình độ nghiệp vụ. Nhưng giáo viên thì khác, với giảng viên đại học chẳng hạn, nếu chỉ tốt nghiệp đại học thì chưa ổn mà phải tiến sĩ, tối thiểu như ở ta cũng phải là thạc sĩ.

Lương giáo viên thấp, sẽ ảnh hưởng thế nào đến xã hội nói chung?

Lương thấp, đầu vào sư phạm thấp, làm sao có chất lượng giáo viên cao. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ sau này, 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa, con cháu chúng ta phải chịu hậu quả. Trong khi ở các nước khác, những người giỏi nhất mới được chọn vào sư phạm. Chúng ta đang đi ngược lại xu thế, mà như thế thì sẽ phải trả giá.

Dường như chúng ta đang đầu tư cho giáo dục chưa xứng tầm?

Ta đang đối xử với giáo dục thiếu thốn lắm. Càng vùng sâu vùng xa lại càng thiếu thốn, khó khăn. Lớp thì đông, lương giáo viên thì thấp. Chúng ta đối xử với giáo dục như thế nào thì sẽ phải nhận lại hệ quả như thế.

Giáo dục như thế, mãi chỉ đi làm thuê

Hệ quả của một nền giáo dục chất lượng thấp sẽ là?

Chúng ta đã nhìn thấy trước mắt. Chất lượng giáo dục thấp thì chất lượng lao động cũng thấp. Khi trình độ thấp thì mãi mãi chỉ đi làm thuê mà thôi, không làm chủ được công nghệ, sáng tạo ra được dây chuyền sản xuất mới, mà chỉ làm thuê, gia công, xuất khẩu lao động phổ thông. Làm chủ hay làm thuê, phụ thuộc cả vào giáo dục. Nếu chúng ta cứ mãi đối xử với giáo dục như thế này thì bản thân tôi không nhìn thấy chút tương lai sáng sủa nào.

Theo ông, trong lần sửa đổi luật giáo dục này, nên chỉnh sửa, bổ sung những bất cập gì của giáo dục hiện nay?

Theo tôi được biết thì có đến 46 điều phải sửa trong luật giáo dục lần này. Tuy nhiên, nếu bỏ quy định tăng lương cho giáo viên và miễn học phí cấp THCS thì việc sửa đổi luật giáo dục không còn nhiều ý nghĩa nữa.

Ông có thấy buồn khi điều ông mong mỏi bao nhiêu lâu không thành hiện thực?

Thực sự là thấy buồn và đáng tiếc! Hy vọng tới đây Quốc hội, Chính phủ sẽ có ý kiến về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Bỏ quy định miễn học phí với sinh viên sư phạm

So với dự thảo được Bộ GD&ĐT công bố để xin ý kiến góp ý của xã hội vào tháng 11.2017, dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của HS, sinh viên (SV) sư phạm theo hướng thực hiện việc đóng học phí như SV các ngành khác. Dự thảo không quy định miễn học phí đối với HS, SV sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm. Theo đó, HS, SV sư phạm sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm và giao Chính phủ quy định cụ thể về chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với HS, SV khối ngành này.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top