Tam tiêu không thông gây nhiều bệnh

Tam tiêu chủ việc bảo vệ các tạng phủ trong cơ thể, có chức năng chủ khí, lưu thông khí huyết tân dịch, thông điều đường nước. Khi tam tiêu bị tắc, toàn cơ thể bị ảnh hưởng và nhiều cơ quan sinh bệnh.

Đường sinh hóa các chất dinh dưỡng

Tam tiêu gồm thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Mỗi tiêu có một đường khí đạo cũng giống như Tam Nguyên là Thiên, Địa, Nhân, mỗi ngôi có 1 nguyên khí. Chữ Tiêu ngày xưa có ý nghĩa là màng mỡ. Tam tiêu chính là màng mỡ khắp trên cơ thể con người, là con đường hành thủy.

Thượng tiêu từ miệng xuống tâm vị dạ dày có tạng tâm và phế. Trung tiêu từ tâm vị dạ dày đến môn vị có tạng tỳ và phủ vị. Hạ tiêu từ môn vị dạ dày xuống tiền âm, hậu âm, bao gồm cả bộ phận bụng dưới: can (gan), thận, đại tiểu trường, bàng quang…

Tam tiêu là phủ của nội tạng, là cơ quan bảo vệ phía ngoài của các tạng phủ. Nó là đường đi của nguyên khi phụ trách hoạt động khí hóa, là đường sinh hóa các chất dinh dưỡng của thức ăn và nước. Sự hoạt động của tam tiêu biểu hiện ở sự khí hoá và sự vận chuyển đồ ăn.

Ở thượng tiêu: Phế chủ hô hấp, phân bố khí và chất dinh dưỡng vào huyết mạch được tâm khí đưa đi toàn thân. Ở trung tiểu tỳ vị vận hoá hấp thu đồ ăn và đưa nước lên phế.  Ở hạ tiêu có sự phân biệt thanh trọc, tinh tàng trữ ở thận, các chất cặn bã được thải ra ngoài bằng đường đại tiện và tiểu tiện.

Ảnh minh họa.

Người ta còn nói tam tiêu chủ việc bảo vệ các tạng phủ trong cơ thể. Nguyên khí của mệnh môn là khí căn bản của tam tiêu, nó đi ở tam tiêu để phân bố đi toàn thân nhằm thúc đẩy hoạt động sinh lý của các tổ chức cơ quan.

Nhờ tác dụng của phế, khí trời hít vào phế, khí của thức ăn sau khi được tiêu hóa lên giao nhau thành tông khí tụ ở đản trung và phân đi các nơi. Khí ở phế, khí của thức ăn cũng mượn đường của tam tiêu để đi toàn thân.

Khí hóa bế tắc cơ thể sinh bệnh

Hoạt động khí hóa được tiến hành và duy trì là nhờ ở nguyên khí của mệnh môn, khí trời vào phế và khí của thủy cốc ở trường vị. Các khí này mượn đường của tam tiêu đi khắp toàn thân, đến 12 kinh mạch, 5 tạng, 6 phủ để hoàn thành toàn bộ tác dụng khí hóa  của cơ thể.

Thượng tiêu chủ hô hấp, chủ huyết mạch đưa các chất dinh dưỡng đi toàn thân để làm ấm nuôi dưỡng da cơ, gân, xương. Trung tiêu chủ tiêu nạp tiêu hóa thủy cốc, vận hóa các chất dinh dưỡng lên mạch phế để hóa thành dinh huyết. Hạ tiêu chủ phân thanh trọc, tiết cặn bã (phân, nước tiểu). Các chức năng đó được thực hiện nhờ tác dụng khí hóa. Vì vậy, nói tam tiêu phụ trách hoạt động khí hóa.

Khí hóa là làm cho vật chất nào đó của cơ thể biến thành khí và khí biến thành vật chất, là quá trình chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng, hấp thụ chúng để nuôi dưỡng, thúc đẩy hoạt động của cơ thể và bài tiết các chất cặn bã trong cơ thể ra ngoài.

Thức ăn uống vào trung tiêu được tiêu hóa, hấp thụ, chuyển hóa thành dinh huyết lên thượng tiêu để phân bố đi nuôi dưỡng toàn thân, xuống hạ tiêu để tiếp tục được phân thành thanh trọc, chất thanh lại được hấp thụ, chất trọc trở thành cặn bã và được tiết ra ngoài. Như vậy, quá trình tiêu hóa của thức ăn và nước uống đều tiến hành tại tam tiêu.

Bệnh của tam tiêu chủ yếu là về mặt thủy khí vận chuyển phát sinh chướng ngại. Nếu thượng tiêu không thông lợi thì sinh suyễn đầy. Trung tiêu không thông lợi thì thủy ẩm ngưng trệ mà bụng đầy. Hạ tiêu không thông lợi thì thấy phù nề.

Mặt khác, do mỗi bộ phận của tam tiêu đều bao bọc một số tạng khí nên chứng trạng của nó cũng biểu hiện ở đó. Chẳng hạn, bệnh thượng tiêu biểu hiện ở tâm, phế; Trung tiêu ở tỳ, vị; Hạ tiêu ở can thận, đại tiểu trường….

GS Hoàng Bảo Châu

(nguyên Giám đốc Viện Y học Cổ  truyền T.Ư)

Theo Đời sống
back to top