Tại sao Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam được đề xuất nhiều phim?

(khoahocdoisong.vn) - Trong khi Nhà nước đang phải tính toán kỹ các khoản chi tiêu trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp thì Cục Điện ảnh đề xuất mức kinh phí sản xuất phim truyện theo đặt hàng của Chính phủ được cho là lớn chưa từng có. Và đáng nói nữa là trong số tiền rất lớn ấy có nhiều kịch bản phim đề xuất cho Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam...

Phó Thủ tướng "nhắc việc" Bộ VH-TT&DL

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 11/07/2019 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản tới Bộ VH-TT&DL liên quan đến việc Bộ VH-TT&DL vẫn chưa nộp Kế hoạch đặt hàng phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018 - 2021.

Văn bản đôn đốc của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Xét đề nghị của Bộ VH-TT&DL về việc đặt hàng phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018 - 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến đồng ý và giao Bộ VH-TT&DL khẩn trương rà soát kế hoạch sản xuất phim đến năm 2021, đề xuất nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính trong tháng 01/2019 để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đến nay Bộ VH-TT&DL chưa có văn bản đề xuất nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính để thẩm định, báo cáo Thủ tướng.

Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ VH-TT&DL nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Văn bản số 600/VPCP/KGVX ngày 22/01/2019, khẩn trương rà soát kế hoạch sản xuất phim đến năm 2021, đề xuất nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Như vậy, sau nhiều tháng trì hoãn với nhiều bất thường phát sinh, Bộ VH-TT&DL vẫn chưa  hoàn thành kế hoạch báo cáo Thủ tướng.

Như vậy, ngay từ đầu việc Chính phủ đặt hàng Bộ VH-TT&DL sản xuất phim là để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, chưa rõ ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ như vừa nêu.

"Xin" quá nhiều ngân sách

Như bài trước Báo KH&ĐS đã phản ánh, đầu năm 2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc Chính phủ đặt hàng Bộ VH-TT&DL sản xuất phim (phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình) phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018 – 2021 và phải trình kế hoạch lên Chính phủ ngay trong tháng 01/2019.

Xin nhắc lại là việc sản xuất phim này dùng ngân sách nhà nước và phải tuân thủ các quy định liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề khiến Kế hoạch sản xuất phim theo đơn đặt hàng của Chính phủ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị đã bị chậm trễ nhiều tháng.

Theo các thông tin mà KH&ĐS có được, ngày 08/04/2019 (tức là sau nhiều tháng chậm trễ theo yêu cầu của Chính phủ), Cục Điện ảnh đã gửi văn bản số 229/ĐA-VP đăng ký kế hoạch đặt hàng và nhu cầu kinh phí sản xuất phim giai đoạn 2018 – 2021. Đi kèm với văn bản này là phụ lục các kịch bản phim truyện với tổng số tiền là 155 tỉ đồng. Trong đó, riêng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam được đề xuất 3 kịch bản là “Bình minh đỏ”, “Hồn trúc”, “Có một ngôi nhà để trở về”.

Đến ngày 05/06/2019 Cục Điện ảnh có Công văn báo cáo Bộ VH-TT&DL về Kết quả họp Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện.

Sau đó 1 ngày, tức  06/06/2019, Cục Điện ảnh tiếp tục ra Văn bản số 351 liên quan đến kế hoạch đặt hàng sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị của Chính phủ. Trong đó, Tổng kinh phí (bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình) là trên 114 tỉ đồng.

Theo dự kiến, kế hoạch sản xuất theo văn bản này gồm 3 phim là “Bình minh đỏ”, “Đất rừng phương Nam” và “Phượng cháy”. Trong đó, phim “Bình minh đỏ” của Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam được đề xuất kinh phí tới 30 tỉ đồng – Đây được cho là bộ phim có giá rất cao so với trước.

Dự kiến kế hoạch lựa chọn phim của Cục Điện ảnh sau đó đã bị Bộ VH-TT&DL bác bỏ với các lý do: Một là Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện chỉ có 3/9 người là vi phạm quy định. Thứ hai là kinh phí đề xuất vượt quá nhiều khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Đến đây, dư luận có quyền thắc mắc về việc: Tại sao Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam lại trúng nhiều phim với số tiền lớn? Giữa Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam và Cục Điện ảnh có quan hệ gì đặc biệt?

Để tìm câu trả lời, phóng viên KH&ĐS đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hà, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh và Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông để tìm hiểu các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời nào từ lãnh đạo Bộ VH-TT&DL.

Theo Đời sống
back to top