Tái chế rác thải thực phẩm

(khoahocdoisong.vn) - Việc tận dụng tối ưu rác thải thực phẩm có thể tránh được tình trạng lãng phí thực phẩm, giảm thiểu những tác động về ô nhiễm môi trường, giảm ngân sách cho công tác phải thu gom, xử lý…

Đáng chú ý, các chất thải thực phẩm này hầu hết có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng nghĩa với việc rác thải thực phẩm dễ thối rữa khi tích tụ khối lượng lớn và trở thành nơi sinh sôi, tập trung của nhiều loại sinh vật gây bệnh. Những mầm bệnh này sẽ đe dọa trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của con người.

Phần lớn rác thải thực phẩm hiện nay được lẫn trong rác thải sinh hoạt, và xử lý bằng cách chôn lấp. Tuy nhiên, khi tích tụ rác thải thực phẩm đủ lớn và phân hủy trong môi trường yếm khí, rác thải thực phẩm sẽ phát ra khí metan (CH4) – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Dự tính, số lượng khí metan này sẽ tạo ra khoảng 3,3 ty tấn khí CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tái chế rác thải thực phẩm để nâng cao giá trị cũng mới ở hình thức sơ khai ở mức sử dụng nước vi sinh ủ rác thải thực phẩm thành phân bón đậm đặc với nhiều dưỡng chất tốt cho cây trồng.

Đặc điểm của mô hình này là có thể ứng dụng được ngay trong các hộ gia đình. Chỉ cần một thùng ủ rác thải thực phẩm và 1 thùng chứa nước vi sinh, các hộ gia đình đã có thể đủ lượng phân bón cho khoảnh vườn nơi tầng thượng hoặc mái nhà, đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp cho nhiều người dân tại các thành phố lớn.

Hoặc một mô hình nâng cao hơn của việc tái chế này, đó là mô hình aquaponics, hay còn gọi là nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Ở đây, cây trồng giúp lọc sạch nguồn nước cho cá phát triển tốt nhất thì chất thải của cá chính là nguồn thức ăn hữu cơ quý giá cho cây trồng tăng trưởng an toàn.

Hệ thống aquaponics có nhiệm vụ tận dụng và thúc đẩy hệ sinh thái vi sinh vật có sẵn trong rác thải thực phẩm. Các vi sinh vật này sẽ phân hủy rác, tạo thành các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, quá trình phân hủy này không gây mùi hôi.

Theo Đời sống
back to top