Tắc mạch máu do hút thuốc lâu năm

Mới đây một người đàn ông 55 tuổi, hút thuốc lá hơn 30 năm thấy đau tức chân, cơn đau buốt lên tận thái dương, uống thuốc nhưng không đỡ đã phải nhập viện.

Bệnh nhân này đã thăm khám tại nhiều bệnh viện, được kê thuốc, đắp cao nhưng không có tác dụng. Khi ngón chân sưng tím, nhức, mưng mủ, ông đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán thiếu máu mạn tính chi dưới, cần can thiệp nội mạch tránh nguy cơ cắt cụt chi.

BS. Lê Nhật Tiên, Phó trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch và Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh nhân bị tắc hai mạch máu nhỏ ở chân, ngón chân có dấu hiệu sớm của hoại tử. Nguyên nhân do tình trạng xơ vữa mạch máu, hậu quả của việc hút thuốc lá hơn 30 năm.

Bệnh nhân được chỉ định can thiệp mạch tắc kết hợp điều trị nội khoa tối thiểu 6 tháng để ổn định xơ vữa, kiểm soát lipid máu, đồng thời bỏ thuốc lá để sớm bình phục.

Thiếu máu mạn tính chi dưới (hay bệnh động mạch chi dưới mạn tính) là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu đến các cơ quan như cơ và bộ phận liên quan khác như dây thần kinh, da... ở phía hạ lưu. Điều này dẫn đến sự chuyển hóa yếm khí và sinh ra nhiều acid lactic, gây đau nhức chân khi vận động.

Đây là nhóm bệnh phổ biến tại nước ta nhưng ít người để ý hoặc lầm tưởng với các bệnh về xương khớp, tĩnh mạch, thần kinh cột sống. Người bệnh chỉ đến bệnh viện khi ngón chân đã sưng tím, hoại tử và phải cắt cụt chi.

Ở giai đoạn sớm, bệnh biểu hiện bằng những cơn đau cách hồi, đau khi đi lại, dừng lại nghỉ sẽ đỡ đau và lại đau khi tiếp tục đi. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân chỉ đi được quãng đường ngắn, phải nghỉ mới đi lại tiếp được, kèm đau nhức chi dưới liên tục. Lâu dần, phần bàn chân bị loét, nhiễm trùng, hoại tử,...

Để điều trị, người bệnh được phẫu thuật, can thiệp nội mạch và điều trị nội khoa. Trong đó, can thiệp nội mạch ngày càng chiếm ưu thế, ít xâm lấn, có thể can thiệp vào mạch máu nhỏ, thời gian nằm viện ngắn. Bệnh động mạch chi dưới mạn tính ít gây tử vong nhưng nó có thể gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống do phải cắt cụt chi.

Khi có dấu hiệu đau cách hồi, đau không thể đi lại, sưng tím ngón chân,... bệnh nhân cần đi kiểm tra để giảm thiểu biến chứng do tắc động mạch hay cắt cụt chi, tàn phế suốt đời.

Theo Đời sống
back to top