Tác hại khi phơi, sấy quần áo trong nhà

Vào những ngày mưa lạnh, ẩm ướt, không có cách nào tốt hơn việc hong phơi quần áo trong nhà, bằng máy sưởi, máy sấy,… Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo thói quen này tiềm ẩn nguy cơ vô cùng tai hại, ảnh hưởng sức khỏe người trong nhà.

Hơi ẩm và hóa chất

Trung tâm các bệnh nhiễm độc nấm ở Manchester (Anh) cảnh báo, việc phơi khô quần áo trong nhà có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của những người có hệ miễn dịch yếu kém hoặc mắc bệnh hen suyễn trầm trọng. Theo các chuyên gia tại đây, quần áo được phơi trên dây hoặc quanh các bếp sưởi điện có thể tăng lượng ẩm trong nhà lên tới 30%, tạo môi trường sinh sản lý tưởng cho bào tử nấm mốc, đặc biệt là các bào tử nấm Aspergillus fumigatus có khả năng gây nhiễm trùng phổi.

Giáo sư David Denning giải thích: “Khi phơi trong nhà, một mẻ quần áo ướt chứa gần 2 lít nước, sẽ bay hơi và giải phóng dần hơi ẩm vào trong phòng. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở những người bị hen suyễn, những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị tổn hại, hoặc những người mắc bệnh tự miễn. Loại nấm này không chỉ gây ho và chứng thở khò khè, mà còn có thể gây nhiễm độc nấm ở phổi – một chứng bệnh có thể không hồi phục được và thậm chí dẫn đến tổn hại nguy hiểm chết người ở vùng phổi và xoang”.

Tuy nhiên, mối nguy hại đối với sức khỏe khi hong, phơi quần áo trong nhà không chỉ đến từ hơi ẩm, mà còn từ chính các hóa chất giặt tẩy, hồ vải,… Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Washington (Mỹ), lỗ thông hơi của các máy sấy khô quần áo là nguồn phát thải hóa chất độc hại vào không khí trong đó có cả những hóa chất nguy hiểm gây ung thư cho con người. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hương thơm tỏa ra từ các lỗ thông hơi của máy sấy là hương thơm được sử dụng phổ biến trong bột giặt, chất làm mềm vải, chất tẩy rửa gia dụng, dung dịch khử mùi….Nghiên cứu đã xác định được 25 hợp chất dễ bay hơi, trong đó có một số hóa chất vô cùng độc hại với môi trường và sức khỏe con người như: acetaldehyde, benzen, ethyl benzene, methanol, xylene và toluen….  Các chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi không sử dụng máy sấy chuyên dụng mà chỉ tác động nhiệt chẳng hạn như hong phơi gần đèn, hoặc máy sưởi điện, để làm khô quần áo thì phát thải ra môi trường trong nhà cũng nguy hiểm tương tự.

Thông khí và cách xa phòng ngủ

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, trong những ngày mưa ẩm ướt thì việc hong phơi quần áo trong nhà gần như là một việc làm phổ biến trong nhiều gia đình. Những gia đình sử dụng máy sây quần áo chuyên dụng thường đặt máy sấy cùng chỗ với máy giặt, trong phòng giặt, ngoài ban công hay trên sân thượng. Với những nơi thoáng gió như vậy là tốt nhất, sẽ hạn chế nguy cơ phát thải hơi ẩm và hóa chất trong không gian gia đình, ảnh hưởng sức khỏe con người.

Tuy nhiên, trong điều kiện ở ta hiện nay, không phải nhà nào cũng sử dụng máy sấy chuyên dụng, mà thường chỉ tận dụng máy sưởi, đèn sưởi để hong, phơi quần áo trong những ngày mưa lạnh, độ ẩm cao. Hoặc một loại máy sấy di động khá phổ biến hiện nay là loại máy gồm động cơ phát nhiệt, trục đứng, giá treo và bao vải dù trùm bên ngoài. Về cơ chế hoạt động loại máy này cũng tương tự như việc bạn hong quần áo với máy sưởi điện nên nguy cơ phát tán hơi ẩm và các hóa chất bay hơi ra môi trường xung quanh là cực lớn.

Để hạn chế những tác hại đối với sức khỏe, ông Nguyễn Thành Vinh đưa ra lời khuyên: hãy sử dụng chế độ vắt khô nhất có thể ở máy giặt, sau đó phơi quần áo còn ẩm ở bên ngoài, dưới hiên nhà hoặc nơi có mái che để tránh mưa. Nếu có thể hãy sấy khô quần áo trong máy sấy chuyên dụng đặt ở không gian thoáng đãng. Nếu bắt buộc phải hong quần áo bằng máy sưởi, máy sấy trong nhà thì hãy chắc chắn đặt những thiết bị này gần cửa sổ, để giúp thông gió tốt hơn, chú ý cách xa phòng ngủ và khu vực sinh hoạt để giữ an toàn cho sức khỏe. Không gian trong nhà cũng cần được thông khí tốt, ngay trong và sau khi hong, sấy quần áo.

Acetaldehyde và benzene là 2 trong số 25 hóa chất được tìm thấy trong khí phát thải từ máy sấy quần áo. Đây là hai chất gây ung thư với người khi tiếp xúc nồng độ cao hoặc trường diễn. (Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Washington – Mỹ).

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top