Tác hại của đồ dùng bằng nhựa

(khoahocdoisong.vn) - Hạt vi nhựa tấn công con người, có mặt trong khắp mọi nơi là cảnh báo các nhà khoa học trên thế giới đưa ra. Theo các chuyên gia, hạt vi nhựa có mặt khắp trong mọi nơi. Để hạn chế tác hại thì cách tốt nhất là hạn chế dùng đồ bằng nhựa.

Hạt vi nhựa là hệ quả của dùng đồ nhựa

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna tiến hành một nghiên cứu trong vòng 1 tuần, trên 8 tình nguyện viên, bao gồm 5 phụ nữ và 3 người đàn ông, tuổi từ 33 - 65, ở các nước Anh, Phần Lan, Italy, Hà Lan, Nhật Bản, Nga và Áo. Họ đều dùng thức ăn, đồ uống đựng trong đồ nhựa, không ai ăn chay và 6 người thường xuyên ăn hải sản.

Kết quả tìm thấy 9 loại vi hạt nhựa khác nhau tìm được trong mẫu chất thải đi ra ngoài của những tình nguyện trên. Cụ thể, trung bình khoảng 20 vi hạt nhựa trong mỗi 10 gram chất thải của người. Có những hạt vi nhựa kích thước lên tới 50-500 micromet và các nhà khoa học suy đoán rằng con người ăn chúng từ đồ hải sản, khói bụi, bao bì thực phẩm hoặc chai nhựa...

PGS.TS Trần Hồng Công, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, hạt vi nhựa hay còn gọi là microbeads, có kích thước siêu nhỏ. Nó chính là sản phẩm của sự phân hủy nhựa từ bao bì thực phẩm, túi nilong, chai nhựa, hay những sản phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng...

Phải mất đến hàng trăm năm, thậm chí là cả hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa bị phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Hạt vi nhựa tồn tại ở dạng cực cực nhỏ, do đó chúng phát tán trong môi trường, trong nước, trong mọi thứ của cuộc sống con người.

Đáng nói, tác hại của hạt vi nhựa là có khả năng xâm nhập vào dòng chảy máu, hệ bạch huyết và thậm chí tới gan. Hạt nhựa siêu nhỏ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt những ai mắc bệnh đường tiêu hóa. Hạt vi nhựa này gồm nhiều loại nhựa khác nhau, phổ biến là chất polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET).

Đây là những thành phần nhựa có trong chai nhựa, đồ dùng bằng nhựa, túi nilong, bao bì thực phẩm…Nhựa trong ruột sẽ gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm lây lan các độc tố, virus hoặc vi khuẩn gây hại trong cơ thể con người.

“Đồ dùng bằng nhựa là một cuộc cách mạng lớn trong việc khám phá vật liệu phục vụ cuộc sống, nhưng chúng đang ngày càng thể hiện rõ những tác hại tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sống”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Hạn chế dùng đồ nhựa

Ngoài việc hạt vi nhựa là sản phẩm của quá trình phân hủy nhựa, túi nilon thì hạt vi nhựa có thể thôi ra từ đồ dùng bằng nhựa hàng ngày mà chúng ta ít để ý. Không thể quan sát được bằng mắt thường các hạt vi nhựa này, nên tác hại của chúng là âm thầm.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, chỉ có một cách duy nhất là hạn chế đồ dùng bằng nhựa thì mới khắc phục được hậu quả những tác hại của hạt vi nhựa đến sức khỏe. “Thay vì uống nước bằng cốc nhựa, hãy dùng cốc thủy tinh. Tất cả các loại đồ dùng khác, đặc biệt là túi nilon, nên được thay thế bằng những vật liệu an toàn hơn, có tính chất hữu cơ, phân hủy được.

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, ngoài việc sinh ra các hạt vi nhựa, đồ dùng bằng nhựa còn dễ bị phân hủy, phôi vào thức ăn ở nhiệt độ 70 – 80 độ C là những phụ gia này bắt đầu hoà tan vào thực phẩm. Một điểm nữa cần chú ý là hầu như trên các đồ nhựa của Việt Nam cũng chưa ghi rõ thành phần và những khuyến cáo.

Nhà sản xuất gần như tự quyết định cùng loại nhựa gì cho sản phẩm của mình. Chẳng hạn, các hộp nhựa dùng để đựng thức ăn nhưng phải là đồ nguội, chứ không phải cơm nóng, canh nóng như chúng ta vẫn đang dùng...

Bộ y tế đã có khuyến cáo đến người dân, để đảm bảo sức khỏe của chính mình và người thân, nên hạn chế dùng đồ nhựa mà nên thay thế bằng đồ dùng bằng gốm, sứ, thủy tinh… Nếu  dùng đồ nhựa thì không nên sử dụng để đựng thức ăn nóng vì hóa chất độc hại có thể ngấm vào thức ăn, đồ uống gây nguy hại cho sức khỏe.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nếu buộc phải sử dụng thì nên chọn mua những đồ nhựa có độ trong, bóng cao, bề mặt không bị nhám hoặc xước. Các sản phẩm như vậy thường có tính an toàn cao hơn rất nhiều. Nên chọn hộp nhựa vô cơ, cứng, màu trắng vì loại nhựa này thường ít gây độc hại hơn so với nhựa hữu cơ.

Theo Đời sống
back to top