Tác động của đại dịch Covid-19 tới tâm lý của nhân viên y tế tuyến đầu

(khoahocdoisong.vn) - Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn người dân TPHCM, ảnh hưởng tâm lý của nhân viên y tế tuyến đầu nghiêm trọng hiện tại cũng như lâu dài.
bn-covid-19-dieu-tri.jpg
Nhân viên y tế luôn được xem là những người đóng vai trò quan trọng hỗ trợ ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của các dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19, lây lan trong cộng đồng.

Lo lắng, khủng hoảng khi chứng kiến quá nhiều người bệnh

Kết quả nghiên cứu tại Trung Quốc trên 1.257 nhân viên y tế của 34 bệnh viện chỉ ra 50% có triệu chứng trầm cảm, 45% có triệu chứng lo âu, 34 % có triệu chứng mất ngủ và 72% có khó khăn về tâm lý.

Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng cho biết, tỷ lệ mắc hội chứng sau đại dịch Covid-19 ở nhân viên y tế thông thường là 49,5% và bác sĩ là 36%.

Tại TPHCM, mặc dù chưa có một nghiên cứu chính thức về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên tâm lý đội ngũ nhân viên y tế nhưng quan sát trên thực tế, chúng ta cũng nhận thấy rằng họ đang bị những tác động tâm lý nặng nề.

D., bác sĩ hiện đang điều trị cho người bệnh Covid-19 cho biết, từ đầu tháng 7/2021, bệnh viện được chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19 khi tỷ lệ người nhiễm tăng cao. Mọi thứ đều bất ngờ và mới mẻ với hầu hết nhân viên y tế tại đây.

bn-covid-19.jpg
Khi tình hình dịch đã được kiểm soát, tỷ lệ người bệnh và người nhiễm thuyên giảm, lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng đã quen với công việc. Những lo lắng, bất an cũng đã đỡ hơn nhiều. 

D. chia sẻ: “Tất cả đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện bắt đầu cuộc chiến hàng tháng trời trong bệnh viện. Ban đầu tất cả mọi người đều cảm thấy lo lắng, khủng hoảng khi chứng kiến quá nhiều người bệnh, người mất ngay trước mắt mình mà không thể làm gì được, rồi sự lây lan bệnh trong nhân viên y tế.

Ngoài ra, tin tức về sự lây nhiễm của đồng nghiệp cho gia đình, người thân mất càng làm cho chúng tôi hoang mang và bất an. Cho tới hiện nay, khi tình hình dịch đã được kiểm soát, tỷ lệ người bệnh và người nhiễm giảm, chúng tôi cũng đã quen với công việc này, những lo lắng, bất an cũng đã đỡ hơn nhiều”.

Hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế tuyến đầu

Các triệu chứng tâm lý ban đầu ở đội ngũ nhân viên y tế thường bắt nguồn từ những lo lắng về các vấn đề cá nhân và gia đình như khi vào tuyến đầu, ai sẽ là người chăm sóc gia đình? Nếu như họ có chuyện không may, gia đình sẽ như thế nào?...

H., một điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng ở khu hồi sức cấp cứu chia sẻ: “Chồng tôi đi chống dịch ở xa, ở nhà có bà nội lớn tuổi, có bệnh nền chưa tiêm ngừa, con nhỏ 2 đứa cũng tuổi đi học chưa có văcxin nên việc đi chống dịch ban đầu cũng nhiều lo âu. Phần nữa lo lắng nếu người nhà mình bệnh thì sao? Sẽ đi đâu?”.

Nhân viên y tế chứng kiến và nhiều khi cảm thấy bất lực trước sự ra đi của những số phận không may: “Chăm bệnh nặng thấy cô chú không qua khỏi buồn lắm, lo lắm. Cô H., chú D. và bao nhiêu người nữa ra đi sau cả tháng điều trị. Buồn vô cùng tận. Sau mỗi lần hay tin họ ra đi, tôi cứ thất thần đi ra, đi vô và muốn hét lên”.

Song song đó, các thông tin tiêu cực về cái chết, mất mát và đau thương trên các trang mạng xã hội quá nhiều cũng là nguyên nhân gây ra sự lo âu và bất an ở họ: “May mắn, những nỗ lực đã được đền đáp. Ít nhất ra tôi cũng đã giúp được nhiều người bệnh qua khỏi, để những đứa trẻ không bị mồ côi cha mẹ”.

bn-covid-binh-phuc.jpg
May mắn, những nỗ lực đã được đền đáp. Nhiều người bệnh Covid-19 đã qua khỏi, để những đứa trẻ không bị mồ côi cha mẹ. 

Những xung đột các giá trị đạo đức khi chăm sóc người bệnh trong giai đoạn đại dịch khó khăn, sự mệt mỏi do tích tụ của stress từ tất cả các nguồn theo thời gian nhưng không có đủ sự nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe thể chất và tâm thần cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các vấn đề tâm lý ở đội ngũ nhân viên y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rằng, các nhân viên y tế thường gặp các triệu chứng tâm lý có liên quan đến đại dịch Covid-19 như mệt mỏi, căng thẳng, lo âu và trầm cảm.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Vì vậy, sức khỏe tâm thần của đội ngũ nhân viên y tế có thể được bảo vệ bằng cách giúp họ cảm thấy an toàn cả về thể chất và tâm lý trong suốt đại dịch.

Cung cấp cho nhân viên y tế những bữa ăn đủ dinh dưỡng, các nguồn thực phẩm bổ sung, tăng sức đề kháng là điều hết sức cần thiết.

ra-vien(1).jpg
Ngày càng nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 ra viện. Đó là niềm hạnh phúc, động lực cho nhân viên y tế tiếp tục trong cuộc chiến đấu chống lại dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, bản thân mỗi nhân viên y tế cần chăm sóc sức khỏe của mình trước tiên. Hãy dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày cho bản thân để làm bất cứ điều gì mình thích.

Tự tạo niềm vui và tiếng cười, hướng tới những hy vọng và điều tích cực trong cuộc sống. Cố gắng ăn đủ bữa. Dành thời gian ít nhất 15 phút mỗi ngày để tập thể dục dù lịch trình rất bận rộn. Tranh thủ chợp mắt giữa ca, có giấc ngủ sâu nhất vào giờ nghỉ để tái bổ sung năng lượng.

ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng

Nhân viên y tế cũng cần chấp nhận rằng có những giới hạn của y khoa mà bản thân con người không thể kiểm soát được. Đừng biến những đau thương, mất mát thành gánh nặng cho bản thân mình.

Nhân viên y tế có thể tự thực hành thấu cảm. Trân trọng cảm xúc với những trải nghiệm, vỗ về, yêu thương, biết ơn bản thân. Mỗi ngày dành vài lần, mỗi lần từ 2 tới 5 phút định tâm vào một việc tốt đẹp để tận hưởng các khoảnh khắc thực tại.

dai-dien-lanh-dao-bv-nhan-dan-gia-dinh-tang-qua-cho-nhan-vien-y-te.jpg
Căng thẳng, lo lắng... trong công việc là điều đương nhiên nên nhân viên y tế hãy sẵn sàng hỗ trợ, vỗ về nhau khi ai đó cần. Ảnh: Đại diện Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định tặng quà cho nhân viên y tế.

Đừng ngần ngại khi có những vấn đề về tâm lý và cần chia sẻ. Sự căng thẳng, lo lắng, bối rối trong công việc là điều đương nhiên nên  hãy sẵn sàng hỗ trợ, vỗ về nhau khi ai đó cần.

Cuối cùng, cần có đội ngũ nhân viên tâm lý - xã hội, chăm sóc giảm nhẹ thực hiện công việc tư vấn với những triệu chứng tâm lý, những khó khăn và áp lực mà nhân viên y tế tuyến đầu đang phải đối mặt trong giai đoạn đại dịch hiện nay.

ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng (Chương trình Văcxin Tinh thần, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM)

Theo Đời sống
back to top