Tạ Quang Bửu – Nhà thông thái trong thời đại Hồ Chí Minh – Kỳ 2: Những chân trời tri thức và nhà hướng đạo tài ba

(khoahocdoisong.vn) - Niên học 1929 – 1930, Tạ Quang Bửu lên đường sang Paris, vào học lớp toán đặc biệt tại trường Louis le Grand. Ông học tốt nhưng không biết để làm gì và suy nghĩ cho dù có học giỏi sau này về cũng chỉ làm quan hoặc trở thành công chức cho chính quyền thực dân là cùng và ông không hề muốn điều đó.

Học để biết chứ không phải để lấy bằng cấp

Tạ Quang Bửu bèn tự vạch cho mình một chương trình học với phương châm học để biết chứ không phải để lấy bằng cấp. Ông mê mải nghiên cứu toán, vật lý lý thuyết, vật lý lượng tử, cơ học... với những giáo sư nổi tiếng. Tri thức đã cuốn hút ông từ viện Henri Poincaré ở Paris xuống Bordeaux rồi sang cả Trường Đại học Oxfort lừng danh. Tháng 3/1934, Tạ Quang Bửu trở về nước. Biết ông là một trí thức có tài nên chính quyền thuộc địa vẫn muốn dùng, dụ dỗ ông ra làm việc sẽ mau chóng được thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, ông đã từ chối, nhưng lại nhận lời mời dạy cho trường Thiên Hựu (Providence). Vừa về nước, Tạ Quang Bửu đã lập tức nổi tiếng ở Huế với sự kiện xảy ra tại trường Quốc  học.

Ngày khai trường, Tạ Quang Bửu đến với tư cách khách mời. Đang hàn huyên với bạn bè cũ, chợt một tay người Pháp đứng đối diện ông chỉ chiếc ghế bỏ trống, hỏi vẻ sai bảo: “Anh có thể mang ghế lại đây không?”. Gã không ngờ gặp phải người chẳng phải vừa. Tạ Quang Bửu lạnh lùng hỏi lại: “Anh không thể tự mình làm việc đó được sao?”. Gã người Pháp sửng cồ, muốn gây chuyện song mọi người đều tỏ thái độ ủng hộ ông, viên hiệu trưởng người Pháp thấy tình hình căng thẳng đành phải đứng ra dàn hòa. Vốn khí khái, Tạ Quang Bửu rất “dị ứng” với tư tưởng thực dân. Ông không thể chịu nổi thói hách dịch kẻ cả của những kẻ luôn tự cho mình cái quyền đi “khai hóa” người khác. Trong dịp hội chợ ở Huế, Tạ Quang Bửu đã suýt đánh nhau với một gã người Pháp chỉ vì một cái bàn. Ông rất ưng ý một chiếc bàn, đang xem xét mặc cả thì tay người Pháp bước vào, đòi mua. Ông ôn tồn bảo: “Tôi đã hỏi mua trước rồi”. Hắn đáp: “Mặc kệ anh, anh chưa lấy bàn, chưa trả tiền thì tôi mua”. Ông nói: “Tôi cũng mua, quyền ưu tiên thuộc về tôi”. Hắn gay gắt: “Vậy thì hỏi người bán, xem ông ta muốn bán cho ai”. Tên người Pháp thấy góc bàn có yết giá 15 đồng, bèn nói với người bán hàng: “Tôi mua cái bàn này với giá 30 đồng”.

Người nọ nghĩ, bối rối đưa mắt nhìn Tạ Quang Bửu. Ông không chịu lùi, nói ngay: “Tôi cũng trả 30 đồng mà tôi là người mua trước”. Người bán hàng phải giao bàn cho ông mang về. Gã người Pháp giận tím mặt nhưng không làm gì được. Về nhà, ông tâm sự với một người bạn: “Tôi đã mua cái bàn với giá gấp đôi vì quyết không nhượng bộ khi thấy nó ỷ tiền, ỷ thế ăn hiếp mình. Giả sử nó giở “Boxe” (quyền anh) ra tôi cũng không sợ”.

Tạ Quang Bửu vừa dạy học ở Huế, mặt khác vẫn trung thành với nguyên tắc tự học đề ra từ đầu và nổi tiếng là một con “mọt sách”. Song như nhiều trí thức có tinh thần dân tộc khác, với ông cuộc sống bức bối và tù túng chứ không hề êm đềm, điều mà ông ngày càng ý thức rõ và thường nói với một số anh em thân thiết: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Năm 1937, phong trào hướng đạo của ông Hoàng Đạo Thúy phát triển rất mạnh thu hút đông đảo cả người Việt lẫn người Pháp và Tạ Quang Bửu tìm thấy ở đó những khía cạnh phù hợp với thiên hướng tư tưởng của mình. Gia nhập phong trào được ít lâu, với học thức uyên bác hơn nữa lại giỏi nhiều môn thể thao, ông mau chóng trở thành một hướng đạo sinh xuất sắc. Sau một thời gian ngắn, Tạ Quang Bửu đã được đề bạt làm đoàn trưởng một thiếu đoàn. Nhận thấy năng lực và uy tín của ông trong các hướng đạo sinh, ông Hoàng Đạo Thúy và những người phụ trách phong trào hướng đạo chủ trương cho Tạ Quang Bửu đi dự một trại hướng đạo lớn của Anh để sau khi trở về sẽ đưa phong trào hướng đạo thoát khỏi ảnh hưởng của Pháp. Năm 1939, ông được cử thay mặt các hướng đạo sinh Việt Nam đi dự Trại tráng sĩ thế giới họp tại Êcốt. Khi ấy ông Hoàng Đạo Thúy là Tổng ủy viên tại Bắc bộ, Tạ Quang Bửu là Tổng ủy viên khu vực Trung bộ và Lê Khắc là Tổng ủy viên ở Nam bộ. Trước đó, Tạ Quang Bửu dự một khóa đào tạo trại trưởng ở gần Luân Đôn. Tốt nghiệp, ông được cử làm Trại trưởng hướng đạo sinh toàn cõi Đông Dương.

Tâm huyết với sự tồn vong của đất nước

Tạ Quang Bửu luôn làm cho người ta phải ngạc nhiên, tháng 10/1942 ông nghỉ dạy học, chuyển sang làm trưởng phòng thiết kế và kỹ thuật cho hãng điện nước Huế (SIPEA). Hãng này có 11 nhà máy điện cỡ nhỏ rải rác từ Thanh Hóa đến tận Phan Rang, làm việc tại đây sẽ có điều kiện tìm hiểu về công nghiệp và đi khắp Trung bộ, hết sức thuận lợi để dẫn dắt phong trào hướng đạo. Thời gian trên, hãng này bị Mỹ cô lập, không mua được phụ tùng thay thế. Tạ Quang Bửu phải tự thiết kế lấy nhiều bộ phận, rồi đặt các nhà máy ở Sài Gòn và Hải Phòng chế tạo, kể cả việc tái sinh dầu nhờn, kéo đường dây cao áp. Sự năng động và sáng tạo của ông khiến giám đốc người Pháp và viên tổng công trình sư Bourgoin kính nể. Với vốn kiến thức bách khoa, lối sống gần gũi hòa mình với mọi người, tính khảng khái không màng danh lợi, đặc biệt không “ngán” cự nhau với Tây, Tạ Quang Bửu được nhiều người yêu mến và cảm phục. Không ít học sinh, sinh viên và thanh niên ở Huế coi ông như thần tượng. Chính vì lẽ đó mà ngay cả nhiều con quan lại cao cấp, thanh niên trí thức, dòng dõi hoàng tộc cũng bị tấm gương của Tạ Quang Bửu hấp dẫn, đã nhiệt tình tham gia phong trào hướng đạo. Vốn tâm huyết với sự tồn vong của đất nước, các Tổng ủy viên hướng đạo như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu đã sớm nhìn nhận phong trào này như một tổ chức có khả năng tập hợp thanh niên, giáo dục, bồi dưỡng và cổ súy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc... Các hướng đạo sinh được nghe kể về truyền thống chống ngoại xâm của ông cha, đi thăm các di tích lịch sử, về những vùng nông thôn nghèo khổ để thấu hiểu nỗi cơ cực của đồng bào ta. Tất cả các đoàn, đội đều được đặt theo tên các vị anh hùng dân tộc hay địa danh lịch sử như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa...

Khi thực dân Pháp phát động phong trào Ducoroy hòng ru ngủ thanh niên, hai ông Tạ Quang Bửu và Hoàng Đạo Thúy phối hợp với nhau hết sức ăn khớp, không những giữ được phong trào hướng đạo khỏi bị sát nhập vào Ducoroy mà còn tổ chức nhiều hoạt động ngầm chống lại. Có lần Tạ Quang Bửu cố ý bố trí cho hướng đạo sinh tiến hành rước kiệu Hai Bà Trưng một cách tưng bừng làm át hẳn đám rước thánh Jeane d’ Arc do Pháp tổ chức. Do thành tích xuất sắc ở nhà máy điện, chính quyền bảo hộ quyết định trao Bắc đẩu bội tinh cho Tạ Quang Bửu. Nhưng ngay trong buổi lễ trao bằng tại tòa Khâm sứ Trung Kỳ, ông đã tỏ ra lạnh nhạt, hờ hững với phần thưởng này và trao lại ngay cho người khác trước mặt tất cả quan khách. Tất cả những biểu hiện có tính “bài Pháp, chống đối mẫu quốc” của Tạ Quang Bửu đã bị mật thám để mắt tới. Ngay sau sự kiện trên, nhà cầm quyền đã cho bắt giam ông một tuần, nhưng không đủ chứng lý nên đành phải thả ra nhưng vẫn bí mật theo dõi. Một thời gian sau, Tạ Quang Bửu lại bị bắt và lập hồ sơ truy tố. Tuy nhiên, trước sức ép của các hướng đạo sinh cả Pháp và Việt, ông được trả tự do và miễn tố sau hai tuần giam giữ.

(còn nữa)

Theo KH&ĐS
back to top