Tạ Quang Bửu – Nhà thông thái trong thời đại Hồ Chí Minh

(khoahocdoisong.vn) - GS Tạ Quang Bửu được xem như người anh cả của ngành đại học và của giới Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Nhưng trên hết, ông là một nhà trí thức yêu nước chân chính và dũng cảm.

Người anh cả của giới Khoa học Kỹ thuật Việt Nam

Ông là người học rộng, uyên bác trong nhiều lĩnh vực, từ toán học, vật lý học, sinh học, cơ học... cho đến ngôn ngữ. GS Tạ Quang Bửu từng được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những thành viên của Phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946 và ký Hiệp định Genève năm 1954. Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, GS Tạ Quang Bửu còn được xem như người anh cả của ngành đại học và của giới Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Nhưng trên hết, ông là một nhà trí thức yêu nước chân chính và dũng cảm.

Cách đây đã nhiều năm, nhà ngôn ngữ học kiêm toán học Noam Chomsky (từng được Tạp chí Newsweek đánh giá là một học giả có tầm cỡ) sang thăm Việt Nam và có một buổi thuyết trình về áp dụng toán học vào ngôn ngữ. Đây là một chủ đề cực khó, nhiều khái niệm và thuật ngữ khiến người dịch mặc dù vốn là cán bộ thuộc loại “cứng cựa” của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước toát mồ hôi mà cũng không sao dịch nổi. Giữa lúc mọi người không biết xoay xở ra sao, bỗng nhiên có một người dáng thấp, đậm, da đen, ăn mặc xuềnh xoàng trông có vẻ hơi lù khù xung phong lên dịch thay. Người này cứ để cho Chomsky nói một thôi một hồi rồi mới ung dung dịch lại, không một vấp váp khiến vị học giả rất nể. Sau buổi nói chuyện, hai người được giới thiệu với nhau, Noam Chomsky mới biết nhân vật đó chính là GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp và đã từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chomsky rất kính phục kiến thức cũng như tác phong hết sức giản dị của Bộ trưởng, sau này ông đã ca ngợi GS Tạ Quang Bửu trong cuốn “At War with Asia”.

GS Tạ Quang Bửu đã có lần hóm hỉnh “tự họa” chân dung mình như sau: “Không may cho tôi, tôi đã tập trung tất cả những nét xấu xí của gia đình, dòng họ: Nước da đen, cái trán thấp, cái mũi to mà tẹt, làn môi quặp xuống, thân hình loắt choắt, dáng đi lạch bạch như vịt”. Những người có khả năng tự trào như vậy thường là những nhân vật có năng lực đặc biệt và GS Tạ Quang Bửu là một người như thế.

Sinh ra tại vùng “đất học” nổi danh văn hiến

Tạ Quang Bửu sinh ra tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một vùng “đất học” nổi danh văn hiến. Họ nhà Tạ Quang Bửu ở Hoành Sơn rất tự hào với ba truyền thống gia đình hiếm thấy trong xã hội phong kiến trước đây. Truyền thống thứ nhất được đúc kết trong hai câu ngắn ngủi: Phụ giáo tử đăng khoa và Cử nhân tại quán (nghĩa là cha dạy con đỗ đạt, đỗ cử nhân rồi nhưng không ra làm quan), năm chữ Phụ giáo tử đăng khoa được viết thành năm chữ vàng trên bức hoành trang trọng treo chính giữa từ đường; truyền thống thứ hai là chỉ thờ cúng tổ tiên nhà mình, không sùng bái quỷ thần nào”; Truyền thống thứ ba là một vợ, một chồng, một tình nghĩa thủy chung, không ai có vợ mọn, nàng hầu. Những truyền thống này được trao truyền và kế tục qua suốt mười một thế hệ nhà Tạ Quang.

Ông Tạ Quang Diễm, cha GS Tạ Quang Bửu, nguyên là một học trò giỏi của cụ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn (thân sinh Giáo sư Đặng Thai Mai). Ông Diễm nổi tiếng văn hay chữ tốt nhưng đường học hành xem ra rất vất vả, lều chõng đi thi mãi mà cứ trượt hoài. Không phải ông học không tốt mà do tính tình nghịch ngợm, hay làm thơ châm chọc mấy vị hủ nho và quan lại quen cúi mình nên bị đánh hỏng suốt. Lận đận mãi, khi đã 26 tuổi ông mới đỗ cử nhân trường Nghệ. Sau khi vào học Hậu bổ ở Huế, do có quan hệ với nhiều người trong Đông Kinh Nghĩa Thục nên Tạ Quang Diễm không được bổ đi làm tri huyện hay tri phủ mà chỉ được giao cho chức huấn đạo xoàng xĩnh tại một vùng heo hút ở Thanh Hóa, rồi chuyển vào làm giáo thụ tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Tuổi thơ của cậu bé Bửu gắn liền với bước đường hoạn lộ long đong của ông giáo Tạ Quang Diễm. Giống như những người khác trong nhà Tạ Quang, cậu bộc lộ tư chất thông minh hiếu học từ rất sớm: Năm 1917, phủ Tam Kỳ có tổ chức một khoa thi bao gồm các môn toán, chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho những học sinh độ bảy tuổi, Tạ Quang Bửu đỗ cao và có tiếng học giỏi từ đó.

Năm 1919, chính quyền thực dân bãi bỏ chế độ thi cử kiểu Nho học, ông Tạ Quang Diễm chuyển ra dạy tiểu học ở Huế.

Sau vài năm học ở trường Queignec, Tạ Quang Bửu thi vào trường Quốc học Huế với điểm số khá cao, đứng thứ 11. Khi ấy, đồng lương giáo viên dạy chữ Hán của ông Tạ Quang Diễm cũng chẳng được là bao, lại phải nuôi các con ăn học, bà mẹ đành đi bán hàng xén gần cửa Đông Ba để kiếm thêm. Họ không đủ tiền thuê nhà như ý muốn và cũng đã năm lần bảy lượt chuyển chỗ ở, cuộc sống gia đình rất chật vật. Bản thân cậu học trò Tạ Quang Bửu, vì nhà xa trường nên thường xuyên phải ở nhờ ở trọ. Tuy nhiên, cậu vẫn học giỏi vào loại “khét tiếng” tại trường Quốc học. Năm 1925, ông giáo Tạ Quang Diễm chết vì bệnh lao, không để lại gì cho gia đình ngoài mấy trăm bạc nợ. Năm sau, Tạ Quang Bửu thi lấy bằng thành chung, ra trường. Điểm cao nhất trong kỳ thi đó thuộc về Hoàng Xuân Hãn (một học giả nổi tiếng, sống và đã mất tại Pháp), đứng thứ nhì là Tạ Quang Bửu.

Ra học tại trường Bưởi, Hà Nội (khi đó gọi là Trường trung học bảo hộ), thái độ khinh miệt của thầy giáo người Pháp khiến tinh thần tự tôn của Tạ Quang Bửu bị tổn thương sâu sắc. Ông bắt đầu cảm thấy sự lố lăng và phi lý của câu: “Nos ancêtres étaient des Gaulois” (Tổ tiên của chúng ta là những người Gô – loa) mà người ta vẫn cố nhồi nhét vào đầu những học sinh bậc phổ thông ở xứ Đông Dương, do vậy, Tạ Quang Bửu càng quyết tâm học thật giỏi nhằm khẳng định mình. Ông đã thực hiện việc này một cách cực kỳ xuất sắc với việc đỗ đầu kỳ thi tú tài bản xứ rồi sau đó dự thi tú tài Tây và cũng đỗ đầu phân ban toán. Vào thời điểm trên, Thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn là Nguyễn Hữu Bài lập ra “Hội như Tây du học” chủ trương chọn lựa những thanh niên ưu tú gửi sang đào tạo ở Pháp. Tạ Quang Bửu nằm trong số ít những cá nhân xuất sắc được nhận học bổng du học.

(còn nữa)

Theo KH&ĐS
back to top