Suy thượng thận do dùng thuốc nhỏ mũi

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ vì nhỏ thuốc mũi trị viêm mũi dị ứng và viêm amidan mà bé trai 10 tuổi đã phải nhập viện vì suy tuyến thượng thận. Thuốc Glucorrticoid (corticoid - GC) được sử dụng rộng rãi, nhưng gây nhiều bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng.
BS Đỗ Gia Nam thăm khám cho trẻ 5 tuổi bị suy tuyến thượng thận do sử dụng GC

BS Đỗ Gia Nam thăm khám cho trẻ 5 tuổi bị suy tuyến thượng thận do sử dụng GC

Suy tuyến thượng thận hệ lụy nhiều bệnh lý

Nguyễn Quang H. 10 tuổi (Hà Nội) được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong tình trạng mặt nặng. Kết quả bé bị hội chứng cushing, suy vỏ thượng thận – béo phì với chức năng trục hạ đồi –tuyến yên – tuyến thượng thận (HĐ-TY-TTT) không hồi phục.  Mẹ bé cho biết, bé có tiền sử viêm mũi dị ứng, viêm amidan từ nhỏ, gia đình tự mua thuốc dạng xịt (halocort, Cidi B...) cho bé sử dụng khi có biểu hiện tịt mũi (2 -3 lần/ngày), khoảng 2 tháng nay không sử dụng. Khoảng 1 năm nay bé tăng cân nhanh, mặt nặng, ăn khỏe...

BS Đỗ Gia Nam, Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, do tình trạng lạm dụng GC ngày càng phổ biến, hiện nay gặp rất nhiều bệnh nhân suy thượng thận. Suy thượng thận do sử dụng corticoid có thể gặp trong điều trị một số bệnh lý tại chỗ như: bôi xịt dưới da, xịt mũi... cũng như điều trị bệnh lý toàn thân: Bệnh hệ thống, bệnh xương khớp, bệnh ác tính... và đặc biệt hay gặp là do bệnh nhân tự sử dụng các dạng thuốc xịt mũi, thuốc Nam dạng bột có chứa corticoid không theo phác đồ điều trị và đơn của bác sĩ chuyên khoa. 

Do sử dụng corticoid ngoại sinh nên bệnh nhân có biểu hiện nặng mặt – hội chứng cushing - với biểu hiện như tăng cân, mặt tròn, nặng, béo trung tâm, ụ mỡ sau gáy, rạn da, mặt đỏ, da mỏng, dễ bị xuất huyết dưới da, yếu cơ gốc chi, vết thương khó lành... biểu hiện của loãng xương, gãy xương do mất khoáng, huyết áp tụt...Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng có thể không rõ ràng, nhưng nếu bệnh nhân sử dụng corticoid dạng xịt, tiêm khớp trong thời gian ngắn vẫn nên đi làm xét nghiệm. Về mặt xét nghiệm có biểu hiện của giảm tiết hormon  trục HĐ-TY-TTT nên được xét nghiệm corticoid 8 và ACTH để chẩn đoán sớm bệnh.

Dùng đúng, giảm suy thượng thận

Corticoid thường được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý toàn thân như: bệnh hệ thống, viêm khớp dạng thấp, hen phế quản, hội chứng thận hư ...cũng như sử dụng tại chỗ nhưng viêm da, xịt mũi ...Ngoài những tác dụng có lợi thì corticoid cũng có nhiều tác dụng phụ, một trong những tác dụng phụ quan trọng do điều trị corticoid là ức chế trục HĐ-TY-TTT hay còn gọi là suy thượng thận thứ phát sau dùng GC.

Yếu tố quan trọng nhất gây suy vỏ thượng thận là thời gian điều trị. Ngoài ra, còn tùy thuộc loại GC, liều dùng, thời gian bán hủy, đường hấp thu. Đường tiêm truyền ức chế mạnh nhất, kế đến là đường uống, sau cùng là dạng tác dụng tại chỗ (bôi ngoài da, hít). Thuốc có tác dụng ngắn như prednisolon dùng dưới 5mg/ngày ít gây ức chế vỏ thượng thận hơn thuốc có thời gian tác dụng dài như dexamethasone. Chia nhỏ liều (3- 4 lần/ngày) gây suy vỏ thượng thận hơn khi dùng liều duy nhất. Dùng thuốc buổi sáng ít gây suy vỏ thượng thận hơn lúc đi ngủ. Nên nhớ cần 2 đến 3 tháng để tuyến yên đáp ứng trở lại và sau 6 - 9 tháng, thậm chí 1 năm sau mức corticoid mới trở về bình thường.

Vì vậy, để hạn chế các tác dụng của GC và tránh suy tuyến thượng thận, BS Đỗ Gia Nam khuyên, nguyên tắc sử dụng trong điều trị một số bệnh tự miễn hen phế quản nếu sử dụng thuốc dưới 2 đến 3 tuần có thể ngừng thuốc đột ngột. Nếu sử dụng thuốc lâu hơn thì ngưng thuốc từ từ là điều bắt buộc để vỏ thượng thận hoạt động lại trước khi ngừng thuốc hẳn. Cần lưu ý là các chế phẩm dùng ngoài da đặc biệt là các chế phẩm phóng thích chậm có lượng thuốc hấp thu vào máu đáng kể có thể gây ức chế trục đổi tuyến yên như đường toàn thân nên phải giảm liều từ từ.  Sự giảm liều đột ngột hoặc giảm nhiều quá nhanh sẽ làm cho bệnh nhân mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa, chán ăn, đột quỵ, đau đầu, đau khớp, hạ huyết áp, hạ đường huyết, làm trầm trọng thêm bệnh qua trung gian miễn dịch.

Theo Đời sống
back to top