Suy giảm thính giác, nhiễm khuẩn vì hát karaoke

(khoahocdoisong.vn) - Giải trí bằng việc hát karaoke không phải là thói quen xa lạ của nhiều người. Nhưng theo các chuyên gia, hát karaoke rất có hại cho sức khỏe như suy giảm tính giác, nhiễm khuẩn, tiêu hóa kém, viêm họng…

Trò giải trí nhiều tác hại

Rủ nhau đi hát karaoke sau những bữa tiệc liên hoan, tổng kết, gặp mặt… là thói quen phổ biến. Hát karaoke là một hình thức giải trí đã có từ lâu. Người hát karaoke có thể giải tỏa căng thẳng, thư giãn khi hòa mình vào cùng âm nhạc, cùng nhau hát lên những giai điệu chung. Tuy vậy, ít ai ngờ nó cũng là một hình thức giải trí nhiều tác hại. Và cũng không ít người đồng tình rằng sau khi đi hát karaoke thì cảm thấy đau đầu hơn, mệt mỏi hơn, nhưng muốn vui cùng bạn bè, cùng đám đông, thì vẫn cứ tham gia.

ThS Lưu Liên Hương, PGĐ Trung tâm nghiên cứu, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, hát karaoke là một hình thức giải trí nguy hại cho sức khỏe. Đa phần chúng ta rủ nhau đi hát sau khi ăn nhậu no say. Lúc này, thể tích dạ dày tăng, thành dạ dày mỏng đi, lưu lượng máu tăng lên.

Lúc này hát karaoke sẽ càng khiến áp lực dạ dày tăng, dẫn đến tiêu hóa không tốt, nặng hơn là mắc các chứng về đường ruột, dạ dày. Ngoài ra, nhiều người thích gào thét kịch liệt khi hát.

Nếu trước đó, những người này đã uống rượu bia sẽ khiến cổ họng đang bị kích thích, thì việc khoe giọng sẽ khiến máu dồn về thanh quản và cổ họng, gây xung huyết hoặc viêm họng mãn. Kết quả là tiêu hóa kém, dễ mắc bệnh đường ruột, dạ dày.

Đáng nói là rất ít người biết điều này. Một điều nguy hiểm nữa là ô nhiễm âm thanh làm giảm khả năng nghe. ThS Lưu Liên Hương cho rằng, bạn có nguy cơ bị suy giảm thính giác do tiếng ồn trong phòng kín karaoke gây ra.

Lý do được đưa ra là, việc hát qua micro sẽ được khuếch đại lên trên nền nhạc, tạo ra mức độ tiếng ồn lên tới 95dB. Và khi bạn trải qua 2 giờ trong phòng karaoke thì thính giác sẽ giảm tới 8dB, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe sau này.

Theo TS vật lý Nguyễn Văn Khải thì âm thanh lên tới 95 dB có thể gây ra tình trạng điếc tạm thời nếu chỉ nghe một vài lần ở vị trí gần. Bình thường chúng ta nghe âm thanh trong khoảng 10-15 dB. Còn nếu ở trong phòng liên tục với âm thành này thì khả năng giảm thính lực là rất cao, thậm chí là điếc.

Micro rất bẩn

Micro được xem là một thiết bị không thể thiếu trong phòng karaoke nhưng lại thường bị nhân viên phục vụ bỏ quên khi làm vệ sinh. Trên thị trường hiện không có loại micro có màng khử khuẩn. Còn các micro loại cầm tay có phần thu âm được che chắn bên ngoài bằng lưới kim loại hoặc nhựa tổng hợp. Lưới này có những lỗ nhỏ sắp xếp cách đều nhau để cho âm thanh truyền qua.

Ngoài ra, micro còn có các lớp mút mỏng bao bọc giúp cho sóng âm tác động đồng đều vào bao vỏ và làm giảm nhiễu hơi gió. Với cấu tạo như vậy, khi người sử dụng micrô phát âm thanh, nước bọt bắn ra sẽ bám vào lưới và lớp mút. Nếu như không được vệ sinh thường xuyên vô tình lớp mút và lưới kim loại kia trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh.

Trước đây, viện Pasteur TP HCM đã phân tích 3 mẫu micro từ 2 cơ sở dịch vụ giải trí karaoke gia đình cho kết quả: một mẫu micro nhiễm nấm men lên tới 41.000 con, hai mẫu còn lại có sự hiện diện của khuẩn Staphylococcus aureus - dòng khuẩn độc tính. Trong đó, khuẩn staphylococcus aureus là vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội lây bệnh nguy hiểm, dễ lây lan khi sức đề kháng cơ thể yếu. Ai có thể đảm bảo mình luôn miễn nhiễm với tất cả các loại vi khuẩn này?

Ngoài ra, ThS Lưu Liên Hương cho rằng, người đi hát karaoke còn phải đối  mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, nấm mốc do phòng hát thường rất kín, không có không khí tươi để thở. Việc vệ sinh phòng hát thế nào cũng khó kiểm soát được. Trong khi đó, việc hét, cổ vũ, hát với âm lượng lớn sẽ khiến cổ họng bị tổn thương, trường hợp nặng có thể gây rách dây thanh quản, mất giọng. Việc uống rượu, bia trong quá trình hát cũng khó kiểm soát, rất có hại.

“Khi có nhu cầu giải trí thì nên chọn hình thức giải trí lành mạnh như tự tổ chức hát cho nhau nghe, nếu đi hát karaoke thì nên chọn nơi thoáng khí, sạch sẽ”, ThS Lưu Liên Hương.

Theo Đời sống
back to top