Sương mù đô thị là một dạng ô nhiễm

(khoahocdoisong.vn) - Những ngày gần đây, tình trạng sương mù bao phủ nhiều tỉnh miền Bắc ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Theo các chuyên gia, sương mù là một dạng ô nhiễm không khí, khá độc hại.

Sương mù còn kéo dài hết tháng 3

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, AQI tại các trạm quan trắc trên địa bàn cập nhập lúc 8h30 ngày 9/3 đa phần ở mức kém và trung bình, chỉ số AQI khá cao, dao động từ 80 – 117. Nơi đo được AQI cao nhất là khu vực: Hàng Đậu 159, Cung Thiếu nhi Hà Nội 156, Cầu Diễn 154, Thành Công 153, Phạm Văn Đồng 152… Khu vực ngoại thành ở mức kém và trung bình. 

Theo dự báo của hệ thống cảnh báo chất lượng không khí PAM Air, với điều kiện thời tiết như trên, ô nhiễm không khí có thể kéo dài hết tuần này, chia làm nhiều đợt trong cả tháng 3. Đợt ô nhiễm này có thể kéo dài cả ngày, thay vì theo chu kỳ ô nhiễm vào đêm và sáng, cải thiện vào buổi chiều như nhiều đợt ô nhiễm trước đó. Ô nhiễm không khí kết hợp sương mù có thể khiến không khí Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chìm trong âm u, mờ mịt, tầm nhìn hạn chế. Tình trạng này sẽ tác động đến sức khỏe, đặc biệt là nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).

TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm không khí. 

Để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước.

Sương mù đô thị rất độc

PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, loại sương mù trên các vùng núi cao là sương mù do nhiệt độ thấp, ẩm gây ra, không đáng ngại. Nhưng dạng sương mù ở các đô thị không do nhiệt độ ẩm gây ra, mà là một dạng ô nhiễm không khí, từ các chất thải, khói bụi... còn gọi là sương mù quang hóa.

Nếu con người gây ra nhiều chất bụi ô nhiễm trong môi trường không khí thì càng thuận lợi cho hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước và hình thành sương mù. Khác với sương mù, hiện tượng “mù” do ô nhiễm không khí là tập hợp các hạt bụi, khói lơ lửng trong không khí, nồng độ ở lớp bề mặt tăng cao làm giảm tầm nhìn ngang (sương mù axit). Nếu độ ẩm của không khí ở khu vực xảy ra mù thấp, lại có nhiều gió thì khả năng khuếch tán khí thải độc hại sẽ tăng, nên thường khó thấy hiện tượng sương mù axít bằng mắt thường.

Các hạt bụi ở thể lỏng, rắn và có kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Chúng sẽ xâm nhập vào hệ tuần hoàn, tùy theo kích thước của từng loại hạt bụi sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe con người. Các hạt bụi lớn sẽ kích thích chảy nước mắt, sổ mũi. Còn các hạt nhỏ hơn sẽ đi vào phổi, gây kích ứng, viêm phế quản. Đặc biệt, những bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, viêm phế quản mãn sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Trong sương mù quang hóa sẽ có những hạt bụi siêu nhỏ, ở dạng lỏng hoặc rắn chứa chất độc hại. Chúng có khả năng xuyên qua hàng rào mao mạch phổi và đi vào hệ tuần hoàn, đi đến tim, hoặc não. Từ đó, hạt này làm những bệnh nhân mạch vành, suy tim sẽ nặng thêm.

Do vậy, trong khoảng thời gian xảy ra tình trạng sương mù quang hóa, phụ nữ có thai, người già, người bị bệnh mạn tính hoặc trẻ em cần hạn chế ra đường. Ngoài ra, khi đi ra đường, người dân cũng cần phải đeo khẩu trang, mắt kính…

Theo KH&ĐS
back to top