Sức khỏe của người hiến tạng thay đổi như thế nào?

Thời gian gần đây, nghĩa cử hiến tạng cứu người đang được lan rộng trong cộng đồng, từ em bé 5 tuổi đến những người trưởng thành giúp nhiều người tiếp tục cuộc sống. Tuy vậy, nghĩa cử này cần tiếp tục được nhân rộng hơn nữa trong cộng đồng, đặc biệt thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này.

Sau việc bé Hải An hiến giác mạc, số người đăng ký hiến mô tạng tăng vọt, chiếm một phần ba tổng số người hiến cả 5 năm. 

Đến nay tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não lên đến 19.300. Họ được hướng dẫn, tiếp nhận bởi Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. 

Một người hiến tạng có thể cứu sống 8, thậm chí là 10 người khác.

Quá trình hiến - nhận tạng

Để được ghép tạng, đầu tiên các bệnh nhân phải đăng kí với bệnh viện. Tại đây các bác sĩ sẽ tiến hành hàng loạt các xét nghiệm và khám sức khỏe cho bệnh nhân để làm hồ sơ chờ tạng được hiến tặng. Khi có người hiến tạng để ghép, các bác sĩ phải dựa vào các hồ sơ mới có thể lựa chọn bệnh nhân có các chỉ số tương thích với tạng được ghép và chỉ định phẫu thuật bệnh. Đặc biệt, quy trình hiến - nhận tạng sẽ phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc an toàn và bảo mật được quy định theo pháp luật hiện hành.

Những bộ phận, mô của cơ thể có thể được hiến tặng bao gồm:

- Nội tạng: thận, tim, phổi, gan và tuyến tụy

- Các mô tế bào: van tim, mô xương, da, gân và giác mạc

Sự tương thích giữa người hiến và người nhận

Đây là điều kiện tiên quyết để việc hiến - cấy ghép tạng được diễn ra thành công.

Hiến tạng sẽ cứu giúp được nhiều người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch (Ảnh minh họa: Internet)

Bất kỳ một bộ phận nào đó của cơ thể được hiến tặng cũng đều cần được kiểm tra xem có hoàn toàn khỏe mạnh hay không. Nghĩa là người hiến tạng phải được làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe, các bệnh lây truyền hay những tổn thương đã và đang có tại những bộ phận sẽ hiến tặng.

Nhóm máu và mô tế bào của người hiến tạng và người nhận cũng phải đảm bảo sự tương thích. Sự phù hợp càng nhiều thì khả năng cấy ghép thành công sẽ càng cao. Cần phải kiểm tra kỹ để tránh xảy ra tình trạng tạng không tương thích, người nhận tử vong sau khi ghép tạng do cơ thể không thích ứng và tiến hành tự thải trừ bộ phận được cấy ghép. Điều này đặc biệt có nguy cơ cao xảy ra ở những người mua bán và ghép tạng trái phép.

Ngoài ra, để có thể giúp tăng khả năng phục hồi sau khi ghép tạng thì cả người hiến và người nhận cũng cần được sự tư vấn của bác sĩ về việc thay đổi một số thói quen không có lợi cho sức khỏe và đảm bảo một chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ dưỡng lành mạnh trước khi tiến hành ghép tạng.   

Hiến tạng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người hiến tặng?

Hầu hết việc hiến tạng và mô xảy ra sau khi người hiến tặng qua đời. Nhưng cũng có một số trường hợp người hiến tặng vẫn còn sống. Với việc hiến tặng những bộ phận, tế bào không tái sinh được như thận thì mặc dù 1 quả thận cũng có thể đảm nhận chức năng như bình thường. Việc hiến thận không làm giảm tuổi thọ của người hiến, tuy nhiên việc này có thể làm tăng nguy cơ phát triển các chứng bệnh về thận sau này. Còn đối với các mô tế bào có thể tái sinh thì cơ thể sẽ dần dần hồi phục bình thường.

Quyền lợi của người hiến tạng

- Những người sau khi hiến tạng được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.

- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

- Ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.

- Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Việt Nam có quy định về quyền hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Bên cạnh đó đã được cụ thể hóa trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Nguyên tắc cơ bản là cần phải có sự tự nguyện của người hiến, không vì mục đích thương mại hay bị ép buộc. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến tạng, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, pháp luật nước ta về vấn đề này vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt với những người hiến chết não do tai nạn. Trong khi đó, nhu cầu về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể nước ta đang ngày càng tăng cao.

Theo songkhoe.vn
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top