Sự thực mùa hè ăn hoa quả nóng

Sự thực mùa hè ăn hoa quả nóng, mọc mụn, hãy để chuyên gia lý giải cũng như chia sẻ cách lựa chọn hoa quả phòng tránh nhiều bệnh lý.

Đường trong hoa quả thẩm thấu nhanh vào máu

Đang là mùa mận, xoài chín nên nhiều người mua các loại quả này về ăn hàng ngày. Nhưng sau đó, không ít người than bị nóng bừng trong người, mọc mụn hoặc khát nước…

Sự thực mùa hè ăn hoa quả nóng

Trước câu hỏi có hay không hoa quả làm người ăn bị nóng, TS Bùi Quang Đãng, Phó trưởng Bộ môn cây ăn quả, Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, điều này là có cơ sở khoa học.

Bởi, trong nhiều loại hoa quả, hàm lượng đường frucoza cao nên khi ăn nhiều, hàm lượng đường đi vào máu dẫn đến tăng năng lượng của cơ thể tạo ra tình trạng nóng bừng. Hay nói cách khác, ăn một số quả nên được cung cấp năng lượng từ đó nóng. Điều này giống như chúng ta ăn xong cơm hay thực phẩm no thì năng lượng sẽ tăng lên dẫn đến nóng.

Nhất là vào mùa này, các loại quả không có múi như mận, nhãn, vải, xoài… chín nhiều nhưng cũng là các loại quả có hàm lượng đường cao. Nếu ăn hàng ngày, mỗi lần vài quả thì việc tăng năng lượng nhiệt là điều dễ hiểu.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Văn Hải, Hội Đông y Việt Nam cho biết, đường frucoza khác với đường mía là chúng đã được phân giải nên khi ăn vào sẽ nhanh chóng đi vào máu mà không cần qua một số hormon khác “dẫn đường”. Vì thế, việc ăn quả có nhiều đường này sẽ nhanh nóng hơn các loại khác trên.

“Việc lựa chọn một số loại quả để ăn hàng ngày rất quan trọng, bởi không chỉ hạn chế tình trạng nóng trong người mà còn cung cấp đủ vitamin, giúp cân bằng lượng đường trong cơ thể, tránh các bệnh lý. Các loại quả nhiều đường như mận, xoài, vải, nhãn… sẽ nhiều đường. Còn các loại quả như táo, lê, các loại quả có múi… sẽ ít đường, nhiều vitamin C hơn”, TS Bùi Quang Đãng nói.

Nước ép làm tăng nguy cơ nhiều bệnh lý

Trước thực tế, khi ăn một số quả vào dẫn đến bị nóng, mọc mụn, ThS Nguyễn Văn Hải cho rằng, ở nhiều người do cơ địa khi năng lượng tăng thì tuyến mồ hôi cũng hoạt động nhiều để giúp cơ thể giải nhiệt. Vì thế mồ hôi lại là điều kiện để vi khuẩn phát triển nếu không được vệ sinh sạch sẽ.

Ngoài ra, một yếu tố cần lưu ý khi ăn hoa quả nhiều đường nữa chính là cần uống nhiều nước. Nước sẽ giúp cơ thể phân giải lượng đường ra nhanh hơn cũng như đào thải chúng để tránh tích tụ trong cơ thể làm tăng béo phì, nóng, các bệnh đường huyết hay tim mạch…

“Nhiều người nghĩ, ăn các loại quả hàng ngày sẽ tốt như bổ sung vitamin… nên ăn nhiều. Thực tế điều này chưa phù hợp. Nếu ăn hoa quả và uống ít nước không chỉ có nguy cơ tăng béo phì do năng lượng nhiều, sự đào thải kém mà còn tăng các nguy cơ về tiểu đường và tim mạch. Hơn nữa, việc ăn các loại quả cũng cần cân đối. Nhiều loại quả có năng lượng ngang với năng lượng của bát cơm, nên nếu ăn nhiều sẽ tăng các bệnh lý”, ThS Nguyễn Văn Hải nói.

Theo đó, chuyên gia cho hay, đã có nghiên cứu chỉ rõ, nếu uống nước cam nhiều có thể tăng các nguy cơ về bệnh tim mạch. Lý do được chỉ ra rất đơn giản là do hàm lượng đường cao. Và điều này khong phải ai cũng biết để cân đối cho phù hợp sức khỏe. Ngoài ra, khi ăn hoa quả, tốt nhất vẫn là ăn cả múi. Bởi chính chất xơ của hoa quả sẽ giúp tiêu hóa, phân giải hàm lượng đường nhanh hơn, từ đó giảm nguy cơ so với uống nước ép. Nếu uống nước không nên cho thêm đường làm khả năng hấp thu đường càng lớn.

“Nước ép được xem là tốt do sự cô đặc nhưng đồng nghĩa cơ thể sẽ nhận một hàm lượng đường cao hơn so với việc chúng ta ăn trực tiếp. Hơn nữa nên cân nhắc, các thành phần khác của quả như vỏ, thịt quả… có chứa nhiều vitamin và chất xơ tốt không kém so với nước ép. Vậy hãy thay vì uống nước ép hàng ngày, nên chuyển đổi bằng cách ăn quả sẽ tốt hơn”, ThS Nguyễn Văn Hải.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top