Sự thực khi ho không nên ăn quýt

Quýt là loài quả được nhiều người ưa thích vì người ta cho rằng quýt có tác dụng chữa ho đặc biệt vào mùa đông do có nhiều người dễ mắc bệnh. Nhưng không hẳn như vậy, bởi nếu không biết cách dùng có thể làm cho bệnh nặng thêm.

Theo các chuyên gia, thậm chí, ăn nhiều quýt có thể gây nên các tác dụng ngược như khiến cơ thể sinh nhiều đờm hơn… Do hiểu chưa đúng nên thông tin này khiến nhiều người lo lắng.

Dùng vỏ quýt chín và xanh phù hợp

Bà Nguyễn Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay 56 tuổi, hay bị ho vào dịp chuyển mùa. Bà chia sẻ, vào sáng sớm hoặc tối bà hay cảm thấy ngứa họng và ho mấy lần. Đôi khi cảm giác như ho rũ đi, sau đó lại không có biểu hiện gì. Và hoa quả mà bà ưa thích chính là quýt. Nhất là vào mùa này, quýt đúng mùa nên bà thường ăn nhiều hơn.

Thế nhưng vừa qua cháu bà đọc được thông tin cho rằng khi bị ho không ăn quả quýt. Dù, vỏ quýt có thể chữa ho, long đờm nhưng thịt quýt lại có tác dụng ngược lại. Thậm chí, ăn thịt quýt có thể khiến cơ thể sinh nhiệt, sản sinh ra nhiều đờm hơn.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/an-quyt-khi-ho1.jpg

Quýt được nhiều người ưa thích.

Trước thông tin đó, BS Trịnh Thị Hương Giang, Phòng Đào tạo, Viện Y học Cổ truyền Việt Nam cho hay, những thông tin trên chưa chính xác nên nhiều người không hiểu rõ có thể bị hoang mang.

Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho hay, theo y học hiện đại, tinh dầu trần bì (vỏ quýt chín) có tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị, có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột (Trung Dược Học).

Ngoài ra, còn kích thích niêm mạc đường hô hấp, làm tăng dịch tiết, làm loãng đờm, dễ khạc ra.

Còn theo y học cổ truyền, vỏ quýt chín gọi là trần bì, vỏ quýt xanh gọi là thanh bì. Trần bì lại chia thành hai loại là Quất bì và Quất hồng. Quất bì còn giữ lại phần trắng bên trong, có vị cay đắng, tính ôn chủ yếu quy vào kinh Phế, Tỳ, tính hòa hoãn, lý tỳ, hòa trung, kiện vị, lợi thủy.

Quất bì bỏ ruột trắng thành Quất hồng, vị cay, đắng, tính ôn táo, quy vào kinh Tỳ, Vị, Phế, Tâm, có tác dụng lý khí, táo thấp, khử đàm thì tốt hơn Quất bì, lại còn dùng để phát biểu, tán hàn mà tính ít bổ.

Vì vậy, Quất bì chủ yếu có tác dụng chữa quản phúc trướng thống (đau dạ dày, bụng đầy trướng đau, ợ hơi, ợ chua, lợm giọng buồn nôn do tỳ vị khí trệ). Quất hồng thường chữa đàm ẩm gây ra đau tim, váng vất chóng mặt, tim đập nhanh.

Ngoài tác dụng trên, Quất bì còn chữa các chứng ho suyễn do đàm thấp trở tắc, tỳ vị khí trệ. Quất hồng chữa thấp, suyễn, ho, phát biểu, tán hàn. Cũng dùng chữa các chứng ngoại cảm phong hàn, ho, suyễn, thường dùng với Tử tô (hạt cây Tía tô), Sinh khương (Gừng tươi), Ngũ vị tử.

Trần bì và Thanh bì đều có công dụng lý khí, khai vị. Nhưng Trần bì chất nhẹ, tính hoãn nên đi lên trên (quy kinh Phế, Tỳ) công dụng thiên về kiện tỳ, hóa đàm, lợi thủy.

Thanh bì chất nặng, tính càng mạnh, nên thường đi xuống dưới (Quy kinh Can, Đởm), công dụng thiên về sơ can, phá khí, tán kết tiêu tích, chữa các chứng can khí uất kết, bụng đầy trướng đau, thức ăn tích trệ lại ở tỳ vị, ăn vào thì đau tăng, ngực sườn đầy tức trướng đau.

Lưu ý khi dùng thịt quýt 

Ở góc độ khác, BS Trịnh Thị Hương Giang cũng cho hay, thịt quýt có chứa nhiều vitamin C, đường và chất xơ, có hàm lượng nước cao. Vì thế, quýt được xem là loài quả giúp bồi bổ cơ thể, tăng thêm tân dịch (nước và chất dinh dưỡng) cho cơ thể.

Khi cơ thể bị ho suyễn do tỳ vị khí trệ, đàm thấp trở tắc, lâu ngày có thể dẫn đến chứng thủy thũng (phù mặt, mắt, chân tay, tiểu tiện không lợi) nên nếu ta ăn nhiều thịt quýt thì càng làm cho đàm thấp tắc trở (do có chất xơ), nước ứ đọng dẫn đến tình trạng ho suyễn càng tăng lên.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện ho do phế nhiệt (ho, suyễn, đờm vàng dính, mặt đỏ, họng khô, khát nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện táo) thì nên bổ sung thêm tân dịch. Vì vậy, lúc này nên vắt lấy nước cam, quýt cho bệnh nhân dùng để bổ sung thêm chất dịch cho bệnh nhân.

Hà Linh

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top