Sự thật về công nghệ nồi cơm tách đường

(khoahocdoisong.vn) - Nồi cơm tách đường loại bỏ tinh bột xấu trong gạo giúp hạ đường huyết, ngăn béo phì…  thực chất là loại công nghệ rất đơn giản mà các cụ ta ngày xưa vẫn áp dụng.

Nồi cơm tách đường loại bỏ tinh bột xấu trong gạo giúp hạ đường huyết, ngăn béo phì…  thực chất là loại công nghệ rất đơn giản mà các cụ ta ngày xưa vẫn áp dụng.

Nồi cơm "thần kỳ"

Trên thị trường hiện có loại nồi cơm tách đường Ninosun của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh HC Việt Nam. Với giá bán 6.500.000 đồng/chiếc và đang giảm giá còn 3.500.000 đồng/chiếc, không ít người tiêu dùng tò mò quan tâm tìm hiểu. Theo quảng cáo, loại nồi này sử dụng công nghệ Nhật Bản, tiết kiệm điện năng.  Lòng nồi lõi nhôm tráng đá hoa cương 4 lớp chống dính. Nồi có đa chức năng gồm nấu cơm tách đường, hầm, hấp, nấu súp, cháo, luộc gà không cần nước.

Công dụng của nồi cơm tách đường là loại bỏ tinh bột xấu trong gạo, loại bỏ đường trong quá trình nấu cơm, giúp hạ đường huyết với người bị tiểu đường (giảm dần và loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào các loại thuốc hạ đường huyết), phòng ngừa các bệnh về tiểu đường, béo phì, tim mạch, tai biến do các tinh bột xấu trong gạo gây ra. Công nghệ Revocook thông minh gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1: Gia nhiệt tạo ra quá trình dẻo hoá. Giai đoạn 2: Phân tách hàm lượng tinh bột xấu có trong gạo. Giai đoạn 3: Loại bỏ nước và bột tiêu hoá nhanh RDS. 4: Nấu chín tạo ra hạt cơm thơm ngon và an toàn.

Tìm hiểu về cơ chế công nghệ của loại nồi cơm này, PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, theo như quảng cáo thì loại nồi cơm này khá ly kỳ. Bản chất quá trình nấu cơm là quá trình thủy phân gạo. Chỉ cần nước và nhiệt độ là tinh bột từ hạt gạo có thể tạo thành đường chứ không thể tách được đường có trong gạo. Tuy nhiên, theo tìm hiểu về nguyên lý thì loại nồi cơm này sử dụng công nghệ rất đơn giản là chắt bỏ nước cơm trong quá trình nấu để giảm lượng đường. Họ sẽ thiết kế một đường ống làm sao để khi nấu giữa chừng, nước trong nồi cơm sẽ thoát ra ngoài một khay riêng làm cho lượng đường trong cơm giảm đi.

“Khi cơm đang sôi thì tinh bột biến thành đường ở dạng nước (nước cơm) sẽ bị rút đi. Cơm còn lại sẽ rất nhạt vì cùng với đường thì các chất dinh dưỡng cũng mất đi. Giống các cụ ta ngày xưa nấu cơm cũng chỉ cần chắt bớt nước đi lúc nó đang sôi để lấy nước cơm cho người ốm mệt uống”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Chỉ là chiêu trò?

Nghe thông tin về loại nồi cơm này, TS vật lý Nguyễn Văn Khải rất bức xúc không hiểu vì sao đơn vị sản xuất lại quảng cáo bằng những từ ngữ rùm beng như thế. Theo nguyên lý đơn giản, nếu sử dụng cùng một loại gạo, nước và nấu trong cùng một loại nồi thì các chất dinh dưỡng trong gạo không mất đi. Không có cơ chế nào làm cho thành phần đường biến tính từ tinh bột giảm hoặc mất đi mà nấu cơm chỉ tạo ra lượng đường cao hơn. Ví dụ như khi cơm chín, chúng ta bật công tắc thêm vài lần để có cháy thì nhiệt độ cao sẽ tạo ra lớp cháy giòn hoặc dẻo ở đáy nồi. Lớp cháy cơm này ăn luôn có vị ngọt hơn ăn cơm bởi nhiệt độ đã biến bột gạo thành gluco. Và như thế, đương nhiên là nhiệt độ cao tạo ra nhiều đường hơn chứ không làm mất đi đâu được.

Theo TS Nguyễn Văn Khải thì khi nấu cơm, nấu bằng niêu đất, nồi gang sẽ ngon hơn nồi cơm điện bởi gạo được làm chín thành cơm ở mức nhiệt độ cao hơn nên ráo hơn, ăn dẻo hơn, ngọt hơn. Và cơm cháy thì luôn có nhiều đường hơn cơm thường. Còn để làm mất đi chất bổ dưỡng ở cơm thì có một cách đơn giản nhất là cho cơm vào tủ lạnh qua đêm rồi lấy ra rang lên ăn. Ở nhiệt độ thấp tinh bột bị chuyển thành kháng tinh bột, nó sẽ không được hấp thụ ở ruột non mà nó trở thành chất xơ chỉ tiêu hóa được ở đại tràng. Từ đó, có thể giảm cân, giảm lượng đường trong tinh bột khi ăn cơm.

Việc cho ra đời loại nồi nấu cơm loại bỏ đường có thể giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường trong quá trình điều trị bệnh, nhưng phải hiểu đây là loại cơm mất đi gần hết dưỡng chất. Nếu chỉ với một thao tác là chắt bỏ nước cơm khi đang sôi, thì liệu có cần đến một chiếc nồi với giá đắt hơn nhiều nồi cơm thông thường, để cho ra loại cơm có vị nhạt, mất hết dưỡng chất? 

Tô Hội

Theo Đời sống
back to top