Sự thật TPCN có nguy cơ gây ung thư - Kỳ 2: Biến thuốc thành TPCN

(khoahocdoisong.vn) - Việc biến tướng thuốc thành thực phẩm chức năng (TPCN) là một mối nguy hại với người sử dụng. Vì vậy, người dân cần phải có hiểu biết đúng về nó.

TPCN trăm hoa đua nở

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, trong những năm gần đây, TPCN đã trở nên phổ biến. Trong số hơn hàng chục nghìn loại TPCN có nguồn gốc ngoại nhập hoặc sản xuất nội địa, rất nhiều  sản phẩm đã bị thổi phồng công dụng một cách quá đáng, không đúng với hồ sơ đăng ký, “quảng cáo một đằng, đăng ký một nẻo”, thậm chí nhiều loại được quảng cáo như một thứ “thần dược”. Điều này hết sức nguy hại, bởi nó khiến cho không ít người bệnh tự ý từ bỏ thuốc đặc trị đang dùng để chỉ sử dụng TPCN khiến cho bệnh tình nặng thêm, thậm chí gây ra những tai biến không đáng có.

Trong khi đó, giá bán không ít sản phẩm lại quá cao thông qua cơ chế bán hàng kiểu đa cấp.

ThS Hoàng Khánh Toàn phân tích, TPCN là loại thực phẩm không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng cơ bản mà còn chứa một số thành phần khác có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tạo ra tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. TPCN được kể đến đầu tiên là những thực phẩm mà khi ở dạng tự nhiên đã có những hoạt chất có lợi với hàm lượng lớn. Tiếp đó là nhóm thực phẩm có ít hoạt chất hơn, phải bổ sung hoặc tinh chế cô đặc lại ở dạng dễ sử dụng, hay gây biến đổi gene để làm tăng hàm lượng những chất có lợi. 

Nhưng với những thực phẩm có bổ sung và biến đổi, người tiêu dùng phải biết cách đọc nhãn bao bì thực phẩm (với điều kiện chúng phải qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc và được sản xuất bởi những công ty có uy tín). Trên thực tế, không ít loại TPCN đã không ghi rõ và đầy đủ những thông tin xác nhận có lợi cho sức khỏe và những thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc/chức năng. Mặt khác, cũng có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như TPCN gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) để tránh được quy định của cơ quan kiểm duyệt, hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng TPCN.

Bởi vậy, người tiêu dùng nhiều khi không hề hay biết tính xác thực và mức độ tin cậy của sản phẩm. Ở Mỹ, Hội đồng Khoa học và Sức khỏe đã tiến hành phân loại các TPCN thành từng nhóm như: nhóm có bằng chứng đáng tin cậy, nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy, nhóm có bằng chứng ở mức vừa phải, nhóm có bằng chứng chưa đủ tin cậy cần nghiên cứu thêm và nhóm còn tranh cãi nhiều... để người sử dụng tìm hiểu và lựa chọn. Ở ta, điều này chưa được thực hiện, các TPCN đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở” mà không biết hoa nào thật, hoa nào giả và giả thật ở mức độ nào.

Biến thuốc thành TPCN nguy hiểm khôn lường

Theo ThS Hoàng Khánh Toàn, hiện có tình trạng, vì con đường để sản phẩm được đăng ký công nhận là một loại thuốc chữa bệnh quá phức tạp, khó khăn và tốn kém, nên không ít công ty Đông dược đã tung ra thị trường những sản phẩm dưới danh nghĩa “TPCN” nhưng kỳ thực lại là thuốc trị bệnh đích thực. Bởi lẽ, trong thành phần của các sản phẩm này hoàn toàn chỉ gồm các vị thuốc Đông y có tác dụng chữa bệnh (thuốc bệnh), thậm chí còn có cả những vị thuốc mà các thầy thuốc Đông y khi sử dụng cũng phải rất thận trọng như đại hoàng, phan tả diệp, phụ tử... Một số trà giảm béo là những ví dụ điển hình, trên thực tế, người ta cố ý dùng chữ “trà” hay “nước tăng lực”... để sản phẩm qua mắt được các nhà kiểm duyệt để được xếp vào nhóm “TPCN”.

Trong y học cổ truyền, các vị thuốc này cũng không bao giờ được xếp vào nhóm  vừa có thể làm thực phẩm vừa làm thuốc và đương nhiên, khi sử dụng nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa khám bệnh, kê đơn với chỉ định, liều lượng, liệu trình và cách dùng hết sức chặt chẽ. Sẽ rất nguy hiểm nếu những sản phẩm này, theo quy định chung với TPCN, được dùng  theo “hướng dẫn sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định. Nhất là khi sản phẩm lại được quảng cáo là có thể sử dụng lâu dài, cho mọi đối tượng.

Theo quan điểm của y học cổ truyền, “dược thực đồng nguyên” (dược phẩm và thực phẩm có chung một nguồn gốc), “thái quá thì bất cập” và “vật cực tắc phản”, vậy nên việc dùng thuốc hay thực phẩm cũng phải có chỉ định, liều lượng và liệu trình cụ thể. Đặc biệt, phải tuân thủ nguyên tắc “tam nhân chế nghi”: Phải tùy người mà dùng (nhân nhân chế nghi), tùy lúc mà dùng (nhân thời chế nghi) và tùy nơi mà dùng (nhân địa chế nghi). Nếu không sẽ dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang”.

Cần phải hiểu đúng

ThS Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược Bệnh viện TƯ 71 Thanh Hóa cho biết, theo bản chất cấu tạo và tác dụng của TPCN mà người ta chia ra thành các nhóm:

Nhóm thứ nhất: Có tác dụng chống oxy hóa như vitamin C, E, Beta-caroten, kẽm vi lượng... Nhóm này có tác dụng giúp cho cơ thể phá hủy các gốc tự do, các tác nhân oxy hóa, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Trên 100 chứng bệnh có nguyên nhân sâu xa từ sự mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và bảo vệ của hệ thống oxy hóa trong cơ thể.

Nhóm thứ hai: Là nhóm sản phẩm có tác dụng thay thế bổ sung các nội tiết cả ở nam lẫn nữ. Chúng có tác dụng tăng sinh lực ở đàn ông. Ở nữ giới, các sản phẩm này có tác dụng hạn chế tối đa các triệu chứng bất lợi về thần kinh, xương khớp... nhất là tăng cường hormon nữ ở những phụ nữ có tuổi, giúp họ sống vui hơn, khỏe hơn, kéo dài tuổi thanh xuân.

Nhóm thứ ba: Sản phẩm mang tính thích nghi sinh học như các loại sâm, đông trùng hạ thảo, sữa ong chúa... có tác dụng tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng...

Nhóm thứ tư: Có tác dụng tăng cường chính khí, tăng cường miễn dịch, phòng chống ung thư... Như các sản phẩm có nguồn gốc từ cúc nhím của Mỹ, sụn và dầu gan cá mập, nấm linh chi, xạ đen...

Nhóm thứ năm: Nhóm sản phẩm có tác động lên hệ thần kinh, chống stress như cây kawa, nữ lang...

Nhóm thứ sáu: Là các vitamin, axit amin, các nguyên tố vi lượng...

Mục tiêu cuối cùng của y học là phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe, sống khỏe, sống hạnh phúc và sống lâu.  Các tác dụng của TPCN đều quảng cáo có thể đáp ứng được 5 mục tiêu nói trên nhưng người tiêu dùng cần lưu ý là khi sử dụng sản phẩm nào cần phải lựa kỹ càng nguồn gốc sản xuất và nhất thiết phải được sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn để tránh hậu quả đáng tiếc.

Theo Đời sống
Khám sức khỏe định kỳ phát hiện u gan 10 cm

Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện u gan 10 cm

Hơn 60% người ung thư gan liên quan đến mắc viêm gan B. Người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó cần phát hiện kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top