Sự suy giảm của nền kinh tế Việt Nam thực sự đã kết thúc?

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo "Cập nhật tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11 năm 2021".

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, số liệu kinh tế - xã hội tháng 10 cho thấy sự suy giảm kinh tế tại Việt Nam đã kết thúc, và đang có những chuyển biến tích cực.

Chỉ số sản xuất công nghiệp, và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã khởi sắc. Các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục, cho dù vẫn chưa phục hồi về mức được ghi nhận trước đợt bùng phát dịch tháng 4/2021.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9, thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sự phục hồi này là do các tỉnh, thành phố đã được nới lỏng dãn cách xã hội, mà đặc biệt là TP.HCM và các trung tâm công nghiệp lân cận.

Trong đó, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất là những lĩnh vực đạt mức tăng trưởng tốt nhất, lên hai con số so với tháng 9/2021. Tính chung 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.

WB đánh giá, các can thiệp về chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả. Trong đó, có việc miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và cung cấp trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn.

Về thu ngân sách, Chính phủ, Quốc hội đang thực hiện chính sách thuế. Ví dụ, giãn hoãn đến 31/12/2021 khoảng 115.000 tỷ đồng; giảm 30 loại phí; giảm giá xăng dầu, thuế của hàng không 50% (trước đây giảm 30%).

Ngoài ra, còn miễn, giảm 30% thuế VAT; 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; 50% thuế của hộ sản xuất kinh doanh, miễn phạt tiền chậm nộp...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có đánh giá, tính chung 10 tháng đầu năm 2021, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, sản xuất công nghiệp phục hồi; xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát; đầu tư nước ngoài được cải thiện; tỷ giá ổn định; lãi suất cho vay tiếp tục giảm, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp;

Các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao được thực hiện phù hợp với tình hình dịch bệnh; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được quan tâm; công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm; các hoạt động đối ngoại diễn ra thiết thực, hiệu quả; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên Chính phủ Việt Nam cần sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Đời sống
back to top