Sử dụng thiết bị sưởi đúng cách

Vào mùa đông, nhu cầu sử dụng máy sưởi khá phổ biến nhưng cũng không ít người có thói quen sử dụng sai lầm như để nhiệt độ quá cao, nằm quá gần quạt sưởi, không vệ sinh quạt sưởi, để đồ đạc gần quạt… TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ về một số lưu ý để sử dụng thiết bị sưởi đúng cách.

Không nên ở quá gần thiết bị sưởi

Không để nhiệt độ quá cao

Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, nhiều người sử dụng máy sưởi bằng cách bật nhiệt độ rất cao để có cảm giác ấm nóng đối nghịch với thời tiết bên ngoài. Cũng giống như sử dụng máy lạnh vào mùa hè, sự chênh lệch quá lớn nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Đó là chưa kể đến vào mùa đông, để nhiệt độ quá cao sẽ làm khô da.

Nhiệt độ tốt nhất là chỉ chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời từ 5-100C. Theo đó thì nhiệt độ tối ưu nhất vào mùa đông dao động xung quanh ngưỡng 250C. Trong khi bật máy sưởi, nên để hé cửa phòng để không khí được lưu thông, giảm được tình trạng mắc các bệnh về đường hô hấp.

Cách đơn giản nhất để tránh khô da là đặt một chậu nước nhỏ trong phòng, gần chỗ máy sưởi hoặc điều hòa. Nếu có điều kiện, có thể sử dụng một máy phun hơi nước để cải thiện độ ẩm trong không khí. Đối với loại máy này, cần vệ sinh máy thường xuyên để tránh vi khuẩn theo hơi nước phun vào không khí.

Không nằm quá gần quạt sưởi

Mỗi lần nhắc đến quạt sưởi, anh Quách Văn Đăng (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại “sởn da gà” vì một lần suýt chết. Do trời quá lạnh, để làm ấm nhanh, anh để quạt sưởi sát vào giường nằm rồi ngủ luôn. Ban đêm tỉnh dậy, chiếc chăn trên giường rơi xuống đất, bén vào quạt sưởi.

Chậm một chút nữa là gây hỏa hoạn. Theo các chuyên gia, khoảng cách an toàn để sử dụng máy sưởi là cách giường hoặc cách người 1,5-2m. Máy sưởi tỏa nhiệt rất mạnh, nếu cho trẻ nằm hoặc đứng quá gần, luồng gió nóng sẽ làm bong tróc da, cảm giác sẽ rất khó chịu.

Đã từng có trường hợp xảy ra hỏa hoạn do để quạt sưởi trong màn. Do đó nhất thiết không được để quạt sưởi ở gần giường, chăn màn. Nên đặc biệt lưu ý khi nhà có trẻ nhỏ bởi trẻ rất dễ bị bỏng nếu ở gần, chạm vào quạt sưởi.

Không bật quá 4 tiếng/ngày

Nhiều gia đình có xu hướng bật máy sưởi, quạt sưởi hoặc điều hòa 2 chiều liên tục 24/24 và từ ngày ngày qua ngày khác. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Bởi các thiết bị sưởi được cấu tạo bằng các dây đốt nóng, nếu cắm điện quá lâu sẽ rất dễ gây cháy, chập điện.

Tốt nhất là chỉ bật máy sưởi khi nào cần thiết phải sưởi ấm. Khi nhiệt độ trong phòng đã đủ ấm thì nên tắt đi. Khoảng thời gian bật quạt sưởi hợp lý là dưới 4 tiếng/ngày.

Đối với đèn sưởi trong nhà tắm, mặc dù nhiệt lượng tỏa ra bao gồm nhiều tia hồng ngoại, không tạo ra bức xạ nhiệt quá cao, cũng không nên sử dụng quá thường xuyên. Thông thường, nên bật đèn sưởi 10 phút trước khi vào nhà tắm và chỉ nên bật 20-30 phút rồi tắt.

Các loại thiết bị sưởi nói chung tiêu tốn rất nhiều điện năng. Việc sử dụng đúng cách vừa tiết kiệm điện, vừa bảo vệ sức khỏe. Khi bật quạt sưởi mà đã cho cảm giác đủ ấm thì nên tắt đi, kể cả khi nhà có trẻ nhỏ. Tuyệt đối không bật quạt sưởi cả đêm để tránh nguy cơ chập, cháy, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Tránh biến quạt sưởi thành ổ vi trùng

Các thiết bị sưởi ấm đặc biệt rất dễ bám bụi bẩn. Trước khi sử dụng, phải vệ sinh sạch sẽ bởi nếu không, bụi bẩn này sẽ làm các chi tiết bên trong quạt dễ bị chập. Cộng với không khí ẩm thấp của mùa đông lại càng dễ gây chập cháy. Rất nhiều người có thói quen không vệ sinh máy sưởi.

Do được đặt trong các phòng kín nên nhiều khi, máy sưởi chính là nơi trú ngụ tích tụ của vi trùng, vi khuẩn rồi sau đó phát tán vào không khí. Vào đầu mua, khi lấy máy sưởi ra sử dụng, cần phải kiểm tra các chi tiết an toàn, xem có bị gỉ sét, dây mai so đốt nóng có vấn đề gì không, lau chùi sạch sẽ rồi mới dùng.

Hết mùa lại cất đi bằng cách vệ sinh sạch, cho vào túi nilon hoặc cho vào hộp đóng kín. Tránh tình trạng để bụi bẩn lưu cữu làm oxy hóa các chi tiết của máy.

Bảo Khánh (ghi)

Theo Đời sống
back to top