Sử dụng insulin ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2

(khoahocdoisong.vn) -Với bệnh nhân ĐTĐ týp 2, nếu điều kiện bệnh nhân cho phép thì sau đợt điều trị cấp tính bằng insulin, đường huyết giảm ổn định, chức năng gan thận không có vấn đề gì... thì cần được các bác sĩ thăm khám cụ thể để quyết định có thể giảm liều hoặc dừng tiêm insulin và dùng thuốc uống.

Hỏi: Tôi 68 tuổi, bị đái tháo đường týp 2 đã 15 năm. Từ ngày phát hiện bệnh tôi liên tục dùng thuốc nên không bị biến chứng. Đầu năm nay đường huyết lên cao 16 mmol/l nên phải điều trị nội trú tại bệnh viện và được tiêm insulin nên đường huyết giảm xuống 7 mmol/l.

Khi ra viện, bác sĩ cho insulin về nhà tiêm nhưng nhiều người nói rằng nếu tiêm nhiều và dài ngày sẽ quen thuốc và phải dùng nó suốt đời. Xin hỏi, tôi có nên tiếp tục sử dụng insulin không? Có thuốc gì thay thể không?

Nguyễn Văn Sơn (Nghệ An)

PGS.TS Tạ Văn Bình,  nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội Tiết T.Ư: Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)  týp 1 phụ thuộc vào insulin để tồn tại. Ngược lại người bệnh ĐTĐ týp 2 không phải phụ thuộc vào insulin ngoại sinh. Nhưng sau một thời gian mắc bệnh, nhiều người bệnh ĐTĐ týp 2 có giảm sút khả năng sản xuất insulin, đòi hỏi phải bổ sung insulin ngoại sinh để kiểm soát gulose máu một cách đầy đủ.

Hiện nay có khoảng 1/3 số người bệnh ĐTĐ týp 2 buộc phải sử dụng insulin để duy trì lượng glucoza máu ổn định. Tỷ lệ này sẽ ngày càng tăng do thời gian mắc bệnh được kéo dài ra. Duy trì mức glucoza máu gần như mức độ sinh lý đã được chứng minh là cách tốt nhất để phòng chống các bệnh về mạch máu, làm giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài tuổi thọ và nâng cao nhất lượng sống.

Tuy nhiên, việc duy trì chế độ tiêm insulin nhiều mũi là phiền hà, khả năng hạ glucoza máu lại dễ xảy ra hơn. Vì vậy, với bệnh nhân ĐTĐ týp 2, nếu điều kiện cho phép thì sau đợt điều trị cấp tính bằng insulin, đường huyết giảm ổn định, chức năng gan thận không có vấn đề gì... thì cần được các bác sĩ thăm khám cụ thể để quyết định có thể giảm liều hoặc dừng tiêm insulin và dùng thuốc uống. Do đó, trường hợp của ông cần đi khám lại để được bác sĩ chỉ định cụ thể.                         

Theo Đời sống
back to top