Sốc phản vệ, muốn sống, đừng "sốc"

(khoahocdoisong.vn) - Sốc phản vệ - cái tên cũng đã đủ gợi sự căng thẳng, nguy hiểm. Nhưng người nhà cần hết sức bình tĩnh, tránh hoảng loạn.

Ong chích một nhát, đi viện cấp cứu

Vừa ngồi cho con bú, bé được 3 tuần tuổi, kháu khỉnh, nhanh nhẹn, chị Vũ Thị Kim Huệ (Đoan Hùng, Phú Thọ) vừa kể lại câu chuyện, buổi chiều “định mệnh” của hai mẹ con.

“Lúc đó, tôi đang ngồi chơi trước cửa nhà, một con ong ở đâu chui vào dép và đốt một nốt vào đầu ngón chân. Ngay lập tức, tôi có thấy khó thở, lơ mơ. Cảm giác như không thể sống nổi, tựa có ai bịt mũi, bịt mồm mình lại vậy”, chị Huệ nhớ lại

Khi các nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ tiếp cận được thì chị Huệ ở trong trạng thái tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã, kích thích, nghe phổi có tiếng thở rít do phù nề, bắt đầu có tiếng thở rít do ở giai đoạn tiền hôn mê.

BS Nguyễn Văn Giáp, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Hùng Vương Phú Thọ cho biết, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân tại hiện trường, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng do ong đốt. Bệnh nhân đã được điều trị theo đúng phác đồ mới nhất của Bộ Y tế về sốc phản vệ.

Em bé được lấy ra từ bụng mẹ và được hồi sức cấp cứu kịp thời.

Em bé được lấy ra từ bụng mẹ và được hồi sức cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, bệnh nhân có chiều hướng xấu hơn. Điều đáng ngại là bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 36. Mỗi mũi tiêm cho mẹ lại gây thêm bất lợi cho thai nhi.

Ông Phạm Văn Học, Tổng Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Khi chúng tôi đưa được mẹ về giới hạn an toàn thì con lại trở nên nguy hiểm hơn. Tình huống đó khiến các bác sĩ phải nghĩ tới việc phải phẫu thuật khẩn cấp, lấy em bé ra càng nhanh càng tốt”.

Và thế là, báo động đỏ được phát đi toàn bệnh viện. Kíp cấp cứu gồm 4 chuyên khoa cấp cứu, phẫu thuật, hồi sức sau mổ, hồi sức sau sinh sẵn sàng chờ bệnh nhân.

Mặc dù chưa hết bàng hoàng vì những diễn biến quá nhanh với người thân của mình nhưng mẹ và chồng của sản phụ cũng đã nhanh chóng hiểu, đồng thuận và tôn trọng quyết định của các bác sỹ. Chỉ chưa đầy 10 phút, khi chưa kịp làm bất cứ một xét nghiệm nào bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu.

Và sau hơn hai tuần điều trị, ngày 17/9, hai mẹ con sản phụ đã được ra viện trong sự chúc mừng của toàn bộ y bác sĩ bác sỹ bệnh viện.

Cứu sống bệnh nhân 5 ngày ngừng tim

Khi kể về những tháng ngày cam go, giành giật sinh tử của con, mẹ chị Mai Thị Liễu (Yên Sơn, Tuyên Quang) rơi nước mắt nói: “Con được như thế này tôi mừng, chả biết nói gì. Chỉ biết cảm ơn các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã tận tình cứu chữa. Tôi nói với con, thôi con về nhận các bác sĩ là bố. Vì các bác sĩ đã sinh ra con lần thứ hai”.

Chị Liễu (34 tuổi) được chẩn đoán viêm loét dạ dày, có chỉ định dùng hỗn hợp thuốc chống vi khuẩn HP. Sau khi uống có biểu hiện đỏ da, phù mặt buồn chồn, BV HV khám với chẩn đoán sốc phản vệ, hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn.

Sau 3 ngày dùng thuốc, bệnh nhân có các biểu hiện dị ứng như đỏ da, phù mặt, bồn chồn, khó chịu… và được gia đình đưa đến BV Hùng Vương Phú Thọ khám.

Bệnh nhân Mai Thị Liễu nhận hoa, quà chúc mừng từ tập thể các y bác sỹ khi thoát khỏi “cửa tử” trở về.

Bệnh nhân Mai Thị Liễu nhận hoa, quà chúc mừng từ tập thể các y bác sỹ khi thoát khỏi “cửa tử” trở về.

Ngay lập tức bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ và cấp cứu theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Nhưng tình trạng bệnh nhân càng lúc nặng lên, người mệt mỏi rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn.

Đánh giá là một ca bệnh diễn biến phức tạp, đe dọa tử vong, BV Hùng Vương Phú Thọ đã liên lạc trực tiếp với chuyên gia đầu ngành về hồi sức, GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai để xin ý kiến hỗ trợ.

“Trong gần khoảng 40 năm làm việc, tôi chưa gặp trường hợp nào ngừng tim tới 5 ngày như vậy. Bệnh nhân được cứu sống là một kỳ tích”, GS.BS Phạm Gia Bình chia sẻ.

Xử lý ban đầu đúng, cấp cứu kịp thời

BS Nguyễn Văn Giáp cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của nạn nhân, có thể gây tử vong. Nó có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút tiếp xúc với một cái gì đó gây dị ứng, chẳng hạn như nọc độc từ nọc ong, đậu phộng...

Phác đồ cấp cứu sốc phản vệ, gần như 100% nhân viên y tế trong bệnh viện đều phải thuộc làu làu. Khi có trường hợp sốc phản vệ xảy ra thì tất cả mọi người xử trí rất kịp thời. Cuộc chiến với tử thần đôi khi tính bằng giây.

Hai mẹ con chị Huệ được cứu sống, theo BS Giáp, trước hết là do xử trí ban đầu đúng, và cấp cứu kịp thời. “Suốt 15km vận chuyển bệnh nhân từ nhà tới bệnh viện, bệnh nhân được tiêm ½ ống Adrenalin, và liều nêu trên được nhắc lại sau mỗi 5 phút.

Thời khắc sinh tử của bệnh nhân Huệ trên bàn mổ cấp cứu.

Thời khắc sinh tử của bệnh nhân Huệ trên bàn mổ cấp cứu.

Khi thai nhi được lấy ra khỏi bụng mẹ, đúng như dự đoán, niêm mạc nhợt nhạt, da toàn thân tím tái, đáp ứng phản xạ yếu. Như vậy quyết định mổ bắt con của các bác sỹ là rất chính xác, kịp thời”.

Còn đối với bệnh nhân Liễu, trong khi BV Hùng Vương Phú Thọ chuyển bệnh nhân về Hà Nội, thì đồng thời BV Bạch Mai cũng có xe cấp cứu di chuyển về Phú Thọ. Dọc đường, bệnh nhân được truyền dịch, dùng thuốc vận mạch, sốc điện theo ý kiến tư vấn từ phía BV Bạch Mai. Cho đến khi hai xe cấp cứu của hai bệnh viện gặp nhau.

Sốc phản vệ có thể xảy ra hết sức bất ngờ. Để phòng tránh bị sốc phản vệ, BS Giáp có một số lưu ý: Đối với những người có tiền sử, cơ địa dị ứng, khi đi viện, BS kê đơn thuốc, hãy trao đổi thật kỹ với BS về tình trạng bệnh của mình để BS lựa kê đơn, tránh thuốc gây dị ứng. Những người này cũng nên luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng.

Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi... hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý như sốc phản vệ. Sau khi tiêm thuốc xong, không nên về ngay mà nán lại phòng tiêm khoảng 15 – 30 phút. Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.

Sốc phản vệ cũng xảy ra đối với đồ ăn, cho nên, khi ăn đồ ăn lạ, nhất là khi đi du lịch, nên thử một lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể ra sao. Sau 24 giờ nếu không thấy hiện tượng gì bất thường thì mới nên ăn lại.

Trong thời gian chờ đợi y bác sĩ cấp cứu, người nhà có thể thực hiện một số các thao tác sau: Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu. Nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh. Lật người bệnh nằm nghiêng để phòng sặc nếu người bệnh bị nôn hay chảy máu từ miệng.

Nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh để bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Nếu bệnh nhân ngưng thở cần hồi sức tim phổi bằng ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân. Kiểm tra xem nguyên nhân gây nên sốc phản vệ là do đâu. Nếu có thể, dùng ngay adrenalin cho người bệnh. Tiên lượng tốt hay không phụ thuộc vào việc sử dụng sớm và đủ liều adrenalin cho người bệnh.

Theo Đời sống
back to top