Sốc: Đầu tư công, 8 tháng đầu năm, có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào

Thủ tướng phê bình nghiêm khắc 36 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao. Và yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Cùng với những cơ quan bị phê bình, Thủ tướng cũng đã biểu dương 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đến hết tháng 9 năm 2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao.

Đây là nội dung trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh cần thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, vì hiện có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%). Có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào.

Thủ tướng yêu cầu, cần xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn. Để tránh tình trạng các dự án chậm tiến độ, các cơ quan liên quan phải rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án. Cụ thể là từ việc lựa chọn dự án giao vốn, đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, …

Ngoài ra, cần tháo gỡ ngay những vướng mắc mà các chủ đầu tư đang gặp phải, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, rắc rối. Sự chồng chéo trong luật cũng là điều phải quan tâm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm của nước ta đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng).

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu. Từ công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tới thay đổi chính sách và quy định.

Chưa kể năng lực chủ đầu tư, nhà thầu thì yếu kém. Việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cũng khiến dự án triển khai chậm,…

Ngoài ra, thời gian vừa qua việc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm nền kinh tế bị đình trệ, mọi hoạt động bị đứt gãy cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc giải ngân vốn Nhà nước.

Theo Đời sống
back to top