Soạn giáo án mẫu 5512 chỉ dành cho… kiểm tra?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều giáo viên phản ánh, việc soạn giáo án (kế hoạch giảng dạy) theo Công văn 5512 của Bộ GD&ĐT chỉ phục vụ cho kiểm tra, mang tính hình thức, đối phó.

Giáo án không cần dài nhiều trang

Ngày 18/12/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 5512 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong phần Phụ lục IV “Khung kế hoạch bài dạy” đưa ra mẫu giáo án mới.

Theo Công văn 5512, mỗi bài học được hướng dẫn triển khai 4 hoạt động: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu; Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ; Luyện tập; Vận dụng.

Mỗi hoạt động như vậy lại phải chi tiết hóa thành các bước: “Mục tiêu - Nội dung - Sản phẩm - Tổ chức thực hiện”.

Liên quan đến việc mẫu giáo án mới có “làm khó” giáo viên, khiến giáo án tăng thêm tới 10 - 15 trang như phản ánh hay không, trao đổi với phóng viên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, kịch bản tổ chức các hoạt động trong bài học cần ngắn gọn.

Trong đó, giáo viên đưa ra các câu hỏi, hoặc câu lệnh rõ ràng về nội dung và sản phẩm (nhìn thấy) mà học sinh phải hoàn thành để giao việc và hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ cho học sinh thực hiện; không phải là chép lại nội dung (ngữ liệu, hình ảnh) từ sách giáo khoa hay các tài liệu khác. Vì vậy, giáo án không thể và không cần dài nhiều trang.

Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh là thực hiện "học qua làm". Khung kế hoạch bài dạy theo mẫu tại phụ lục của Công văn 5512 về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh "làm để học". Muốn vậy thì câu hỏi hoặc câu lệnh cần cho học sinh hiểu rõ phải làm gì, làm như thế nào và làm ra cái gì?

Vì vậy, đối với mỗi hoạt động định tổ chức, giáo viên phải xác định trúng: Mục tiêu, nội dung và sản phẩm. Giáo viên nêu rất ngắn gọn các yêu cầu này trong kế hoạch bài dạy.

Khung kế hoạch bài dạy (phụ lục IV của Công văn 5512) không phải là mẫu giáo án; mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện, từ đó ra câu hỏi/lệnh đúng, trúng vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh.

Lẽ nào tất cả cùng hiểu nhầm?

Trao đổi với phóng viên, một cô giáo ở ở Hà Nội cho biết, theo như cô hiểu thì việc soạn giáo án (kế hoạch giảng dạy) theo Công văn 5512 nhằm “khoa học hóa” các bước lên lớp của giáo viên, cụ thể từng bước thì dùng phương pháp nào… mục đích là tốt.

Tuy nhiên, khi triển khai thì thấy quá tỉ mỉ, “sợi tóc chẻ làm tư”, không thể nào soạn giáo án mới chỉ 3 - 5 trang như giáo án cũ hay ngắn gọn được. Theo cô giáo này, lời giải thích của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học rằng có thể soạn giáo án không cần dài là chưa đứng trên góc độ thực tế của một giáo viên,

Bản thân cô, mỗi một tiết dạy soạn cũng phải 7 - 8 trang giáo án. Có tiết 10 trang, thậm chí đối với những tiết dạy mang tính khái quát, thì giáo án lên tới cả 15 trang.

Một năm, như môn Ngữ văn của cô, mỗi lớp trung bình có khoảng 105 tiết, nhân với 10 trang, thì sẽ ra cả ngàn trang giáo án. Với một giáo viên dạy cả hai khối lớp, lại tiếp tục thêm ngàn trang nữa. Giáo viên không thể nào nhớ được hết các bước tỉ mỉ trong cả ngàn trang giáo án như vậy.

Tuy nhiên, giáo viên vẫn phải hoàn thành giáo án đầy đủ, vì liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá giáo viên. Thực tế này đã dẫn tới tình trạng, có giáo viên làm giáo án chiếu lệ, cho xong rồi để đó, chỉ phục vụ cho lúc kiểm tra. 

“Khi kiểm tra, mọi người hỏi chúng tôi, sao giáo án còn mới tinh thế này. Vì chúng tôi có dùng đến giáo án này đâu. Nhưng vẫn phải soạn”, một giáo viên chia sẻ.

Các giáo viên cho biết, giả sử một vài giáo viên “hiểu nhầm” công văn của Bộ, dẫn tới việc thực hiện không đúng thì cũng có thể có khả năng này xảy ra, nhưng ở đây rất nhiều giáo viên đều làm như vậy, qua biết bao nhiêu buổi tập huấn, khi kiểm tra thì cũng vẫn theo chuẩn “mẫu” giáo án của Bộ đưa ra, vậy lẽ nào tất cả, từ trên xuống dưới đã cùng hiểu không đúng?

Thực tế, các giáo viên đã rất nhiều việc, thêm việc soạn giáo án một cách hình thức, máy móc như thế này khiến họ không còn thời gian để tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn.

Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc thực hiện kế hoạch giảng dạy này. Tránh dẫn tới tình trạng, khi giáo viên phản ánh thì Bộ nói rằng, chủ trương của Bộ một đằng, nhưng lúc triển khai lại một nẻo, vướng mắc chỉ là do triển khai.

Một số ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên thu hồi lại Công văn 5512 và “mẫu” giáo án làm khổ giáo viên này. Một chính sách, quy định ban hành cần phải dựa trên thực tế. Nếu không, sẽ chỉ làm trầm kha thêm căn bệnh hình thức.

“Dù lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học của Bộ GD&ĐT có giải thích, biện luận như thế nào về soạn giáo án (Kế hoạch giảng dạy) theo Công văn 5512 thì với tôi đều không thuyết phục. Quan điểm của tôi là công văn nào mà chứa đựng quá nhiều bất cập, không có tính khả thi và tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên sự gian dối thì đề nghị Bộ GD&ĐT nên thu hồi”, một giáo viên chia sẻ.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top