Sớ từ chức của Trạng nguyên Trần Văn Bảo

(khoahocdoisong.vn) - Sớ từ chức của Trạng nguyên Trần Văn Bảo sau hơn 30 năm làm quan dưới triều Mạc, ông đã đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ giúp cho việc củng cố vương triều này. 

Ngôi mộ thiên táng

Trần Văn Bảo (1524 - 1610), sinh ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Thân (10/2/1524) tại làng Cổ Chử, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trư­ờng, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Theo gia phả họ Trần làng Cổ Chử, cha Trần Văn Bảo là Trần Công, người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định). Vào thời Lê, Trần Công di cư xuống làng Cổ Lãm (sau đổi là Cổ Chử),  lấy bà Trần Thị Từ Huệ người Cổ Chử, sinh  ra Trần Văn Bảo. Trần Văn Bảo đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất (1550) niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3, đời Mạc Phúc Nguyên, khi 27 tuổi.

Tương truyền, thân mẫu của Trần Văn Bảo rất nghèo, phải đi cấy lúa thuê kiếm sống. Gặp hôm trời quá rét, trời tối dần, bốn bề không còn ai, không về được, bà nằm chết trên một gò đất thuộc xã Lạc Đạo; gặp giờ thiêng, mối đùn phủ kín thành mộ.

Đấy là ngôi mộ thiên táng. Lúc đó ông còn nhỏ, chỉ được người ta bảo cho biết việc mẹ chết. Về phong thủy, ngôi mộ này trước sinh nhân, sau đắc địa (nghĩa là trước sinh người, sau phát đạt). Khởi đầu từ hai ông đậu Trạng nguyên và Tiến sĩ, rồi sau đến 11 ông Hương cống, chuyện này đã ghi rõ trong gia phả.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trần Văn Bảo được bổ làm quan triều Mạc, giữ các chức Lại bộ Thượng thư, Nhập thị Kinh Diên; sau ông đổi tên là Trần Văn Nghi, đi sứ nhà Minh.

Khoảng đầu niên hiệu Diên Thành (1578) triều Mạc Mậu Hợp, Trần Văn Bảo được thăng chức Thượng thư, tước Nghĩa Sơn bá. Đến tháng 7 năm Tân Tị, 1581 ông lại được giao chức Lại bộ Thượng thư, cho vào hầu giảng ở toà Kinh Diên.

Lần thứ nhất dâng sớ từ chức

Thời kỳ này, nhà Mạc suy tàn, kỷ cương lỏng lẻo, xã hội rối ren, quan quân đánh dẹp liên miên, dân tình vô cùng khổ cực. Mạc Mậu Hợp lên ngôi khi mới hai tuổi, lớn lên chỉ ham chơi bời, rượu chè, gái đẹp, chẳng quan tâm đến chính sự.

Các quan đại thần trong triều liên tiếp dâng sớ, chỉ rõ chính sự suy đồi, khuyên Mạc Mậu Hợp hãy chăm lo chính sự, nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không thay đổi.

Ngày mồng 7 tháng 8 năm Tân Tị (1581), Trần Văn Bảo vào triều yết cáo xin về cố hương và dâng sớ từ chức Lại bộ Thượng thư. Tờ sớ viết:  “...Những tờ sớ của các vị đình thần trước sau đã tâu bày, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay, rất đáng cứu xét để tu tỉnh.

Bệ hạ tuy đã ban chỉ dụ khen ngợi, mà vẫn chưa thấy mở rộng lượng theo lời can gián, như bệ hạ dạy rằng: lời này có thể làm theo, mà sao vẫn chưa thấy thi hành thực sự; như việc nọ đã qua bàn luận rất nên châm chước thi hành, mà sao vẫn không thi hành; như văn bản kia lưu ở trong cung, rất nên truyền ra, mà sao vẫn chưa phát ra...

Không biết đó có phải là do ý định của bệ hạ mà tạo ra tình trạng đó hay là hoặc có kẻ làm mờ ám thông minh, lừa dối bệ hạ chăng?

Những việc như thế, rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình, ngày càng rối loạn, những lời công luận, ngày càng bế tắc.

Kính mong bệ hạ, sợ oai trời, sửa đức mình, ban sắc lệnh cho phụ chính ứng vương phải hết sức tu tỉnh, giúp việc triều đình, để tâm vào việc giữ yên hoàng gia, nằm gai nếm mật, lấy việc diệt quốc thù làm trách nhiệm của mình.

Lại cần đòi hỏi các vị đại thần, tin dùng những lời can gián trung thực; cải cách các điều lỗi, sắp đặt hết mọi việc. Như vậy là nhân sự đã hoàn thiện, thì thiên ý tự khắc vãn hồi, và thiên hạ quốc gia sẽ ngày một thịnh vượng thái bình. Nếu không thì thời kỳ bại vong khó tránh được.

Hạ thần không xứng chức, tự hạch xin miễn chức, và tới trước cửa khuyết để đợi tội, hoặc biếm hoặc truất, kính theo mệnh của bệ hạ".

Sau khi xem xong tờ sớ của Trần Văn Bảo, Mạc Mậu Hợp liền ban sắc uý dụ và buộc ông phải nhận chức.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top