Số phận 5 nàng công chúa Việt Nam – Kỳ 3: Dấn thân vì nước

An Tư công chúa là một trong hai vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính trọng đại chính trị. Nhan sắc của nàng An Tư khiến hoa phải thẹn, đã giúp cho nhà Trần chiến thắng Nguyên Mông.

Phạm Đức Dương, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á, cho biết: Xét theo vai vế, công chúa An Tư chính là bà trẻ của công chúa Huyền Trân. An Tư là con gái út của vua Trần Thái Tông và là em gái của vua Trần Thánh Tông.

Nếu Huyền Trân được biết đến với nhan sắc khiến người đối diện chỉ biết nín thở ngắm nhìn, thì An Tư lại mang vẻ đẹp thanh nhã như châu ngọc. Sử sách ít nhắc đến nàng, vì thế mà kết cục cuộc đời An Tư luôn là đề tài bàn luận của các sử gia.

Hoa sen tịnh đế

Nhà nghiên cứu của GS. Dương thì cuộc đời của An Tư công chúa chỉ được sử Việt chép lại ngắn gọn trong một số tư liệu. Thậm chí, cho đến nay các nhà khoa học còn chưa tìm ra lời giải về năm sinh, năm mất của nàng.

Theo một số câu chuyện dân gian mà GS. Dương sưu tầm được thì công chúa An Tư có tư chất “hoa sen tịnh đế”, hay còn gọi là “tịnh đế liên” (tức một cuống nở hai bông hoa, thể hiện sự quý hiếm thuần khiết – PV).

Hình tượng Công chúa An Tư (ảnh Viettoon).

Giữa thời đất nước đao thương, nét đẹp ấy càng khiến nhiều người ngưỡng mộ và biểu thị ý muốn tôn thờ. Vậy nên dân gian mới ví: “An Tư đẹp nhất trời Nam”, và khẳng định nàng là cô gái đẹp nhất trong những cô gái đẹp.

Không chỉ xinh đẹp, An Tư cùng các nàng công chúa thời nhà Trần còn được dạy dỗ rất cẩn thận. An Tư không chỉ am hiểu âm luật, cầm kỳ thi họa mà tiếng đàn của nàng được sánh như mây bay nước chảy, ngàn điểu cùng bay.

“Trong bối cảnh nước nhà đang phải đối mặt với nạn binh đao, nàng đã từ bỏ thân phận đài các, từ bỏ niềm tự hào là đôi bàn tay như ngọc tạc thành mà dệt thoi, may áo thêu cờ cho tướng sĩ”, GS. Phạm Đức Dương cho biết.

Phận gái thời loạn

Năm 1279, sau khi đánh bại nhà Tống, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, quân Mông Cổ mở cuộc chiến thôn tính với quy mô rộng rầm rộ. Khắp nơi, vó ngựa và chiến thuyền Nguyên Mông tiến lên như vũ bão.

Nhật Bản và Đại Việt, Chiêm thành đều nằm trong tầm ngắm. Trong đó, Đại Việt được xem là cuộc chiến phục thù của kẻ chính phục thế giới sau thất bại lần thứ nhất năm 1258.

Năm 1279 quân Nguyên Mông mở cuộc chiến phục thù tiến đánh Đại Việt lần thứ hai.

Con trai Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, thống lĩnh toàn bộ lực lượng viễn chinh. Bên cạnh đó quân Nguyên còn có các tướng lĩnh như: Toa Đô, Sài Thung, Sát Tháp Nhi Đài, Lý Hằng.

Quân Nguyên Mông nhanh chóng chiếm được Chiêm Thành, tạo gọng kìm bao vây Đại Việt. Lịch sử đều ghi chép “vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cây cỏ nơi đó không mọc được”, trước sức mạnh của giặc, Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, nhằm mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng.

Tuy nhiên, Toa Đô cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân nhà Trần trên các mặt trận. Tướng Trần Bình Trọng hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc, chiến sự rơi vào cục diện bất lợi cho quân dân Đại Việt.

Trong “Việt sử tiêu án” của danh sĩ Ngô Thì Sĩ, có ghi: “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại. Quân giặc qua sông tiến vào kinh thành”.

Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông đánh tới Gia Lâm, vây hãm Thăng Long. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn đánh lạc hướng đối phương nhưng không thành. Ngày 9/3 cùng năm, thủy quân Nguyên Mông bao vây Tam Trĩ, suýt bắt được hai vua.

Thế giặc quá mạnh, thư hòa lại không được chấp nhận, chưa bao giờ quân đội nhà Trần cần có thời gian để củng cố lực lượng như lúc này. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải dùng đến kế sách cuối cùng: Đưa An Tư công chúa cho Thoát Hoan để thư nạn cho nước.

Dấn thân vì nước

Trong lúc đất nước gặp cảnh nước sôi lửa bỏng, An Tư công chúa luôn đau đáu nỗi niềm. Nhưng nàng tiếc không thể noi gương cầm gươm xông trận như các anh em của mình.

Rất ít tư liệu cũng như văn bia nói về kết cục công chúa An Tư.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi ngắn gọn: “Vua Trần sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy”.

Việt sử tiêu án cũng ghi: “Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa (tức An Tư) cho chúng, để thư nạn cho nước”.

Tư liệu dã sử “An Tư công chúa” có nhắc đến trước khi dấn thân cầu hòa, An Tư đã có đính ước với Chiêu Thành Vương Trần Thông, con trai cả của Thái úy Khâm Thiên Đại Vương Trần Nhật Hiệu.

Khi công chúa An Tư được đưa sang doanh trại của Thoát Hoan, quân Nguyên Mông chấp nhận lời cầu hòa của nhà Trần. Đây là khoảng thời gian vàng ngọc để Đại Việt chuẩn bị củng cố lực lượng.

Trong đền Trần (Nam Định) cũng không thấy tư liệu về An Tư công chúa.

Không có tài liệu chính thống nào ghi chép thêm về cuộc đời và kết cục của An Tư sau khi nàng được tiến cống cho Thoát Hoan. Chỉ có sách An Nam chí lược của Lê Tắc Trắc – một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong chép rằng: “Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”.

Khi quân nhà Trần phản công, quân Nguyên Mông đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải chui vào ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy về phương Bắc.

Sau chiến thắng, triều đình nhà Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Từ đó, không ai rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.

Còn trong tiểu thuyết An Tư công chúa, khi Thoát Hoan tháo chạy về Bắc, quân ta chiến thắng, triều đình mở tiệc khao quân. Tiếc thay người mà công chúa thương yêu là Chiêu Thành Vương đã anh dũng tử trận. Quá đau buồn và cảm thấy mình đã bội thề, An Tư đã quyên sinh nơi bến vắng.

G.S Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á cho rằng, nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á – Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.

Theo ông, người con gái “lá ngọc cành vàng” ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7/1285, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư.

“An Tư tượng trưng cho cái đẹp biết dấn thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận.Sự hi sinh thầm lặng nhưng quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt đáng sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng. Và trường hợp của nàng đáng được lưu danh như tên tuổi các bậc tiền nhân nhà Trần”, PGS.TS. Nguyễn Bích Thu, Học viện Khoa học Xã hội.

(còn nữa)

Phong Điền – Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top