Siêu thực phẩm từ sữa gián?

(khoahocdoisong.vn) - Nghiên cứ cho thấy sữa gián có thể trở thành siêu thực phẩm trong tương lai do chất lượng dinh dưỡng cao gấp 4 lần sữa bò và 3 lần sữa trâu.

Sữa gián sẽ là siêu thực phẩm?

Những năm gần đây, xu hướng chăm sóc sức khỏe đã chứng kiến nhiều bước ngoặt lớn với một loạt các sản phẩm mới xuất hiện và được xem như "mốt" kỳ lạ, từ sữa hạt hổ, cà phê bông cải xanh, sữa mặt trăng hay sữa gián. Trong khi một số thực phẩm nhanh chóng bị quên lãng, sữa gián vẫn có sức hút kỳ lạ tại thời điểm năm 2019 này. 

ThS Lê Quang Thịnh, ThS Nguyễn Thúy Hiền, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, từ khoá “Sữa gián” (cockroach milk) đã xuất hiện vào những năm 50 của thể kỷ trước nhưng gần đây trở nên ồn ào với hy vọng sẽ thành siêu thực phẩm do chất lượng dinh dưỡng cao gấp 4 lần sữa bò và 3 lần sữa trâu. Đặc biệt từ kết quả đã công bố gần đây của nhóm nhà khoa học ở Viện Sinh học tế bào gốc và Y học tái sinh Ấn Độ trên tạp chí IUCRJ của Hiệp hội Quốc tế về các tinh thể. Kết quả nghiên cứu mới này đã giải trình được trình tự DNA của một tinh thể protein nằm trong ruột giữa của loài gián Cánh cứng Thái Bình Dương (Diploptera punctata) có chứa các tinh thể protein để nuôi con non. Loại “sữa” này chứa năng lượng nhiều hơn ba lần so với sữa trâu (loại sữa có hàm lượng calo cao hơn sữa bò). Chính vì thế, người ta hy vọng có thể khai thác “sữa gián” như một siêu thực phẩm trong tương lai.

Gián cánh cứng Thái Bình Dương, tên tiếng Anh là Cypress cockroach hay Pacific beetle cockroach và tên khoa học là  Diploptera punctata Eschscholtz, 1822 thuộc họ Blaberidae. Vùng phân bố loài gián này chủ yếu thuộc khu vực Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Chúng được gọi là “sữa” chỉ bởi vì nó được sử dụng để nuôi con non và có lượng dinh dưỡng rất cao. Thực chất đây là 1 loại tinh thể protein. Các tinh thể này giống  như một loại thực phẩm hoàn chỉnh, gồm có protein, chất béo, đường và tất cả các axit amin thiết yếu. Điều thú vị là các tinh thể protein rất ổn định và chúng có thể là một dạng protein bổ dưỡng tuyệt vời cho con người, nếu sản xuất được ở khối lượng lớn.

Khả năng khai thác sữa gián

GS.TS Bùi Công Hiển, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có lẽ “sữa côn trùng” (insect milk) được biết cho đến nay mới chỉ là “sữa ong chúa”. Sữa ong chúa là sản phẩm được tiết ra từ tuyến hàm của con ong thợ 7 ngày tuổi trở đi để nuôi ong chúa và ấu trùng. Việc phát hiện ra “sữa gián” ở loài gián Diploptera punctata có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất đáng chú ý.

Nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học khẳng định sữa gián D. punctata có chứa hàm lượng protein dinh dưỡng rất cao. Cụ thể, sữa gián rất giàu axit oleic với cả axit linoleic, axit mỡ omega-3, axit mỡ mạch ngắn và trung bình, vitamin, khoáng chất. Ngoài ra còn chứa N-acetyl-D-glucosamin, β-D-mannose và glycerol… Tuy nhiên, để có sữa gián là một quá trình khá khó khăn. Theo tính toán, để thu được 100g sữa, cần phải có 1.000 con gián. Vì vậy, trong thời gian này, các nhà khoa học đang tìm cách tái tạo chất này trong phòng thí nghiệm hoặc tạo ra một viên thuốc sữa gián.

Trên thực tế, để có được kết luận cuối cùng về việc sữa gián có an toàn cho người tiêu dùng và hương vị của nó như thế nào, các nhà nghiên cứu vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu, thử nghiệm.  Khả năng khai thác “sữa gián” từ việc nhân nuôi khối lượng lớn, rồi chiết xuất tinh thể protein đương nhiên không khả thi.

Tuy nhiên, việc tìm ra trình tự gene của loại protein tinh thể ở gián Cánh cứng Thái Bình Dương đã mở ra một hướng mới cho phép có thể sản xuất được loại “sữa gián” trong tương lai theo công nghệ sinh học dễ dàng hơn. Đó là từ trình tự gene của protein tinh thể đã biết có thể nghiên cứu tìm ra loại “men” sản xuất các tinh thể protein với số lượng lớn hơn, tinh chất hơn so với tinh thể protein được chiết xuất từ ruột giữa của gián.

Theo Đời sống
back to top