Siêu thị thay đổi combo "đi chợ hộ", nhiều kênh mua hàng quá tải

Sau loạt phản ánh của người dân về mức giá và các mặt hàng trong combo chưa hợp lý, một số siêu thị đã thiết kế thêm combo cụ thể, phong phú hơn. Các siêu thị cùng các chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi cũng linh động thiết kế thêm các danh sách hàng hóa để người dân lựa chọn.

Linh hoạt combo mua sắm

Để khách hàng thuận lợi hơn trong việc mua sắm, đại diện hệ thống bán lẻ Satramart Siêu thị Sài Gòn cho biết, đơn vị này đã linh động thay đổi, bổ sung các gói combo. Đơn vị đã giới thiệu combo có thể dùng trong 1 tuần cho gia đình có khoảng 4-5 người với giá từ 1.000.000 đồng/combo.

Trước đó, Siêu thị Sài Gòn đã cho ra mắt 6 combo với giá trung bình khoảng 300.000 đồng/combo. Các combo theo “chuyên đề” được siêu thị lên thực đơn sẵn rất đa dạng, như combo rau -  củ - quả, combo chuyên về thực phẩm tươi sống, combo các mặt hàng thực phẩm công nghệ,… 

 
Các combo theo “chuyên đề” được siêu thị Sài Gòn lên thực đơn sẵn rất đa dạng. Ảnh chụp màn hình 

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của người dân, các siêu thị cùng các chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods cũng phục vụ các sản phẩm tự chọn với hàng trăm mặt hàng từ sữa, nước tương, mắm muối,... đến nhiều sản phẩm chống dịch, khẩu trang các loại, các loại hóa mỹ phẩm như nước rửa chén, nước rửa tay, nước giặt, bột giặt, giấy vệ sinh…

Tương tự, đại diện Aeon Việt Nam cho biết bên cạnh 4 combo tổng hợp với mức giá từ 450.000-500.000 đồng/combo, siêu thị này cũng thiết kế thêm 11 combo nhỏ đa dạng với nhu cầu người dân TPHCM.

Cụ thể, ngoài 4 combo tổng hợp rau củ, thịt, cá, siêu thị có combo mức giá thấp với 3 loại bánh mì 100.000 đồng; 2 combo thịt; 4 combo rau; 4 combo trái cây với mức giá dao động trong khoảng 130.000-500.000 đồng.

MM Mega Market cũng đã triển khai 4 gói combo với mức giá từ 150.000-300.000 đồng tại 4 siêu thị ở TPHCM. Ngoài ra, mỗi trung tâm MM còn cung cấp thêm danh sách hàng hóa cho mỗi phường nhằm tạo đa dạng trong việc lựa chọn cho người dân. Danh sách hàng hóa sẽ thay đổi và được cập nhật cho chính quyền địa phương theo ngày.

Đơn đặt hàng liên tục tăng cao

Trao đổi với Lao Động, bà Trương Ngọc Phượng – Phó Bí thư Đảng ủy Phường 1, Quận 6 cho biết: "Các đơn hàng đi chợ hộ hiện đang tăng cao, trung bình một ngày, chúng tôi nhận khoảng 250 đơn. Dự kiến trong tuần tới, lượng đơn hàng này sẽ còn tiếp tục tăng. 

Dù đã lên kế hoạch từ trước nhưng nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh, trong khi lượng nhân viên tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm đi làm bị giới hạn so với ngày thường nên một số điểm bán đã rơi vào tình trạng “quá tải".

 
 Các đơn hàng đi chợ hộ liên tục tăng cao. Ảnh: Ngọc Lê

Đại diện siêu thị Bách Hóa Xanh cho biết, hiện đơn vị đang quá tải vì đơn hàng online tăng cao mà nhân sự ít và bị hạn chế đi lại. Có điểm bán của đơn vị nhận được cả nghìn đơn đặt hàng mỗi ngày từ chính quyền, tăng cả chục lần so với ngày đầu áp dụng siết chặt giãn cách

Trước đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, cho biết, tại TPHCM chỉ còn các hệ thống phân phối hiện đại, đây là hệ thống phân phối lớn có sự cạnh tranh giá cả, nên việc giá cả hàng hóa tăng bất thường gần như không có. Sở Công Thương đã đề nghị các siêu thị tổ chức đa dạng các combo từ 100.000-500.000 đồng, phục vụ nhu cầu khác nhau của các hộ gia đình.

Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, kênh phân phối của Thành phố hiện có 2.302 điểm bán: 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ). Tuy nhiên, do nhu cầu các quận huyện đăng ký giảm, hiện TP chỉ còn 5 xe bán lưu động.

Theo laodong.vn
back to top