Siết kinh doanh thương mại điện tử: Đi ngược chủ trương thúc đẩy kinh tế số?

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công Thương đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT), nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin hàng hóa, cân bằng lợi ích của các bên tham gia TMĐT. Tuy nhiên, dự thảo đang bị đánh giá là quá chặt, tạo thêm nhiều thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp.

Nhiều “trói buộc”

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), quan ngại của ban soạn thảo về những vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên thị trường TMĐT hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên, khi xét về tổng thể, việc quy trách nhiệm chưa chắc đã đạt hiệu quả, chưa kể một số điều trong dự thảo đang “siết” kinh doanh và đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, Khoản 5 Điều 67c của dự thảo, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký các giấy tờ có liên quan là bất cập. Khi làm thủ tục đầu tư, nhà đầu tư (doanh nghiệp) đã phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ KHĐT (có tham vấn ý kiến Bộ Công Thương). Việc tiếp tục phải xin ý kiến Bộ Công Thương khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan làm tăng thêm thủ tục hành chính, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ, ngay cả việc thay đổi thông thường như tên hay địa chỉ doanh nghiệp cũng có thể cần phải hỏi ý kiến Bộ Công Thương. Điều này có thể gây bất an cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.

Chủ tịch SB Law cũng cho biết thêm, Khoản 2c Điều 67 của dự thảo quy định các doanh nghiệp chi phối 1 trong 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ TMĐT theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Khoản này có điểm trùng lặp với quy định của Luật Cạnh tranh. Một hành vi như nhà đầu tư nước ngoài mua 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp, có thể làm cho doanh nghiệp phải thực hiện cùng lúc 2 thủ tục thẩm định riêng biệt (của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và Luật Cạnh tranh (thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương).

Các vấn đề liên quan đến hoạt động vận hành hằng ngày của doanh nghiệp như kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ TMĐT của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc quyền quyết định hành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh của doanh nghiệp... cũng có thể phải qua sự thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng được quyền tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập bởi Luật Đầu tư 2014, Nghị định 52. Nếu theo quy định như trong dự thảo, nhà đầu tư không còn nhiều cơ hội tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ đã được thiết lập trước đó.

Dự thảo cũng đặt các nhà đầu tư nước ngoài đứng trước rủi ro có khả năng mất một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư tại Việt Nam, nếu không thể thoái vốn cho một bên thứ 3 do các rào cản về đầu tư nước ngoài. Trong khi hiện phần lớn các sàn TMĐT vẫn đang trong tình trạng lỗ và một số đã phải tính đến việc mua bán sáp nhập để tiếp tục có vốn hoạt động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đi ngược mục tiêu kinh tế số

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Khoản 2c Điều 67c của dự thảo còn giới hạn việc tiếp cận thị trường ở quy định chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kì mới được phép tiếp cận thị trường Việt Nam. Việc giới hạn công ty công nghệ uy tín toàn cầu là tiêu chí mang tính chủ quan, với các tiêu chí không rõ ràng và mang tính phân biệt đối xử. Điều này khiến cho nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc không phải trong lĩnh vực công nghệ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam.

Đề cập đến chính sách quản lý đối với TMĐT, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS cho rằng, không nên siết quá với nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này tại thời điểm hiện tại, vì đây là thời điểm thị trường cần có tính cạnh tranh lành mạnh. Trong lĩnh vực công nghệ càng mở rộng thì sự cạnh tranh càng lành mạnh. Nếu quy định quá khắt khe thì sẽ hạn chế số lượng các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào TMĐT và thị trường sẽ là sân chơi của các doanh nghiệp quy mô lớn, tính cạnh tranh trên thị trường bị suy giảm, điều này không có lợi cho phát triển kinh tế số theo mục tiêu đã đề ra. Doanh nhân này kiến nghị nên bỏ Điều khoản 2b ra khỏi dự thảo.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn TMĐT Sendo lo lắng rằng, Khoản 67c của dự thảo có thể sẽ làm cho thị trường TMĐT Việt Nam mất đi tính thu hút. Dòng tiền của các doanh nghiệp TMĐT trong nước hiện phụ thuộc lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, nếu nhà đầu tư ngừng lại và không tiếp tục rót vốn, doanh nghiệp trong nước và thị trường trong nước đều gặp khó khăn.

Theo ông Dũng, khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào TMĐT Việt Nam, họ không chỉ nhìn vào việc đầu tư có hiệu quả hay không mà họ còn nhìn vào khả năng thoái vốn. Do đó, quy định trong dự thảo có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư khi họ muốn bán lại hoặc muốn chuyển nhượng khoản đầu tư cho nhà đầu tư khác. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào TMĐT.

Chuyên gia truyền thông và thương hiệu Tuấn Hà lại cho rằng, ta khuyến khích doanh nghiệp Việt mở gian hàng để bán hàng trên Amazon thì cũng không thể hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trên sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. Đó là cuộc chiến của thế giới phẳng. Bài toán đặt ra là chúng ta phải cạnh tranh, tăng khả năng bán hàng.

Theo Bộ Công Thương, việc nhà đầu tư nước ngoài chi phối lĩnh vực thương mại điện tử có thể dẫn đến nhiều hệ lụy với hệ thống thương mại, sản xuất nội địa và an ninh kinh tế, thông tin quốc gia. Với việc nắm các cơ sở dữ liệu liên quan đến hàng trăm nghìn người bán và hàng triệu người mua, nhà đầu tư nước ngoài có thể khai thác một lượng lớn dữ liệu của người dân và kiểm soát được thông tin, tác động đáng kể đến sản xuất, tiêu dùng.

Tờ trình về dự thảo sửa đổi nghị định 52 do Bộ Công Thương soạn thảo cho rằng, hiện cả bốn sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất (Shopee, Lazada, Tiki và Sendo) đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp, trong đó, cá biệt có các nhà đầu tư đến từ một quốc gia nắm tỉ trọng đáng kể tại ba sàn, dẫn đến rủi ro, chi phối kinh tế khó lường trước

Theo Đời sống
back to top