Siết điều kiện hành nghề thẩm định giá

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Dự thảo bổ sung nhiều quy định liên quan đến doanh nghiệp thẩm định giá và điều kiện hành nghề của thẩm định viên.

Theo Bộ Tài Chính, thời gian qua số lượng doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng đã phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013 - 2020, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng gây bức xúc trong dư luận và xã hội.

Để quản lý hoạt động thẩm định giá, dự thảo bổ sung thêm quy định về vấn đề thu hồi thẻ hành nghề. Thẻ thẩm định viên sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: gian lận để được cấp thẻ; người đã được cấp thẻ bị kết án về tội liên quan đến hành nghề thẩm định giá và bản án đã có hiệu lực pháp lý; đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước có thời hạn thẻ từ 2 lần trở lên. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 4 điều 36 Luật Giá về người đã bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên không được hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo mới bổ sung thêm quy định so với Nghị định số 89/2013/NĐ-CP về điều kiện của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp. Hiện nay giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá chưa có sự khác biệt với các thẩm định viên. Cụ thể phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điều 39 Luật Giá; đồng thời có ít nhất 3 năm hành nghề và ký ít nhất 30 bộ chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá. Đối với loại hình kinh doanh có điều kiện có tính chuyên môn cao, kết quả tư vấn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá thì quy định này thực sự cần thiết.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung quy định này cũng nhằm phát triển nghề thẩm định giá tài sản theo lộ trình phù hợp và trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch; giúp cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản và các nguồn lực; giảm rủi ro trong đầu tư; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia nền kinh tế.

Theo Đời sống
back to top