Sẽ dự trữ thuốc hiếm, chấp nhận hủy bỏ nếu không dùng đến?

Đó là một trong những nội dung Bộ Y tế trả lời báo chí trong buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý 1.

Bộ Y tế đề xuất sẽ có cơ chế để mua sắm, dự trữ một số thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn, giải độc tố botulinum..., chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dùng đến.

Nhiều kết quả y tế nổi bật

Sáng ngày 24/3, Bộ Y tế tổ chức Gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế Quý I năm 2023.

Theo đó, về Phòng, chống HIV/AIDS: Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 560.000 lượt người đã được tư vấn xét nghiệm, trong đó 40% là nhóm nguy cơ cao; hơn 51.000 người được điều trị Methadone, trong đó 4.324 người được cấp thuốc về nhà; điều trị ARV cho khoảng 171.200 người; điều trị PrEP cho khoảng 38.475 người.

Công tác an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng). Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm làm 227 người mắc, 07 người người tử vong. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể; chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên năm 2023.

Về Quản lý Dược: Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời dịch truyền Albumin và Globulin cho nhu cầu điều trị của nhân dân. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam về việc quy định về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký thuốc.

Đại diện các Vụ cục trả lời báo chí trong buổi gặp mặt

Đại diện các Vụ cục trả lời báo chí trong buổi gặp mặt

Công tác khám, chữa bệnh: Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường hồi phục nhanh sau dịch bệnh COVID-19 và được triển khai hiệu quả; khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới được tăng cường.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng tài liệu Hướng dẫn Phát hiện sớm – Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em. Tiếp tục xây dựng Danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên sửa đổi định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ kỹ thuật. Chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần; Quyết định số 1005/QĐ-BYT ngày 22/02/2023 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh phổi mô kẽ”.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan liên thông cổng dữ liệu Giấy khám sức khoẻ lái xe lên Cổng giám định bảo hiểm y tế triển khai Đề án 06. Xây dựng kế hoạch và phân công xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật khám bệnh chữa bệnh….

Chủ động để đảm bảo đủ thuốc hiếm

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng thiếu thuốc hiếm, Bộ Y tế có giải pháp nào trong việc đảm bảo cung ứng thuốc hiếm để phục vụ điều trị cho người bệnh trong trường hợp cấp bách?

Thuốc hiếm giải độc tố giải độc tố botulinum tại bệnh viện Chợ Rẫy

Thuốc hiếm giải độc tố giải độc tố botulinum tại bệnh viện Chợ Rẫy

Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, để giúp các cơ sở khám chữa bệnh có biện pháp chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở, trong nhiều năm qua Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.

Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh và hiện đang được quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế (Danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có). Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ/ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm như:

Về đăng ký thuốc: Ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định .

Cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở khám chữa bệnh ,...

Tuy nhiên, theo ông Dũng còn có một số khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đối với một số thuốc hiếm:

Hiện nay, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm).

Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.

Do vậy, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế sau:

1.Có cơ chế đặc thù về tài chính như: Bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

2. Có giải pháp, cơ chế để các cơ sở KCB có thể mua sắm, dự trữ để 1 số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.

3.Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top