Say nóng trong nhà vì không bật điều hòa

(khoahocdoisong.vn) - Người già nhiều khi không dám bật điều hòa vì vừa sợ tốn điện, vừa sợ Covid-19, nhưng ở trong điều kiện nóng bức, mồ hôi sẽ ra nhiều, lượng nước trong cơ thể giảm nên máu sẽ bị cô đặc, là nguyên nhân gây ra huyết khối, dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...

Nóng quá máu dễ cô đặc

Để phòng tránh Covid-19, tôi biết có nhiều người không bật điều hòa, kể cả những hôm nắng nóng lên tới 39 độ C, nhiều trong số đó là người già.

Xin nhắc nhở: Người cao tuổi và trẻ em thì khả năng điều hòa thân nhiệt kém, phải đặc biệt lưu ý có thể xảy ra tình trạng say nóng vì không khí trong nhà không được đối lưu. Biểu hiện say nóng nhẹ nhiều khi bỏ qua, như cơ thể cảm thấy oi bức ngột ngạt, thở nhanh hơn, chóng mặt và không thể đổ mồ hôi. Mức độ trung bình, có thể bị tụt huyết áp, buồn nôn, nôn. Khi có những biểu hiện như vậy, cần phải bật điều hòa, nghỉ ngơi trong căn phòng thoáng mát càng sớm càng tốt.

Đặc biệt lưu ý, người già nhiều khi không dám bật điều hòa vì vừa sợ tốn điện, vừa sợ Covid-19, nhưng ở trong điều kiện nóng bức, mồ hôi sẽ ra nhiều, lượng nước trong cơ thể giảm nên máu sẽ bị cô đặc, là nguyên nhân gây ra huyết khối. Huyết khối dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, nhồi máu phổi, tắc mạch chi dưới; đều có thể gây tử vong hoặc tàn phế.

Không bật điều hòa, lượng khí CO2 và độ ẩm trong căn phòng cũng tăng lên, cơ thể cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Hãy bật điều hoà ở 27 - 28 độ C.

Ở nhiệt độ này, có thêm quạt tuần hoàn hoặc quạt cây sẽ giảm đáng kể tiêu thụ điện năng, cơ thể vẫn cảm thấy mát mẻ và dễ chịu, sẽ không bị say nóng. Với 27 - 28 độ C, virus SARS-CoV-2 cũng không thích hợp để phát triển và tăng lây nhiễm.

Mặc quần áo hút ẩm và thoáng khí

Một số người già dùng quạt tay nhỏ để tiết kiệm điện. Thực tế quạt tay nhỏ khả năng làm mát rất kém, nên sử dụng quạt cây hoặc quạt tuần hoàn. Nếu có hai cửa sổ chéo nhau, hãy tận dụng những thời điểm trời mát mẻ, tắt điều hòa và bật quạt để lấy không khí tươi bên ngoài. Có thể mở cửa sổ và cửa ra vào, mục đích tạo đối lưu tốt nhất, kênh thông khí tự nhiên rất quan trọng; tránh đóng cửa im ỉm 24 giờ. Một điểm cần chú ý là độ ẩm, nên duy trì ở mức 50 - 60%, người mắc các bệnh dị ứng nên để mức dưới 60%.

"Bệnh điều hòa" chỉ đơn giản là các triệu chứng do không khí lưu thông kém trong môi trường điều hòa làm cho đường hô hấp trở nên nhạy cảm, gây hắt hơi hoặc nghẹt mũi, đau do lưu thông máu kém, dị ứng da, khô da...; để khắc phục thì tăng lưu thông khí, như mở cửa hoặc bật quạt.

Ngoài việc bật điều hòa và bật quạt, dùng khăn ướt lau cơ thể, hoặc tắm; đều có tác dụng rất tốt trong mùa hè. Chú ý tắm bằng nước ấm buổi tối trước khi đi ngủ 2 tiếng, giúp khắc phục chứng khó ngủ, giấc ngủ rất sâu. Nếu phòng điều hòa bật quạt, người già nên quay mặt vào tường để tránh hướng gió trực tiếp thổi vào cổ mặt, cổ, ngực và bụng.

Mọi người quan niệm tắt điều hòa và cởi trần là đủ mát, thực tế không phải, bởi khi nhiệt độ bên ngoài cao hơn bề mặt da sẽ khiến cơ thể ngừng tản nhiệt, dễ bị say nóng. Trong nhà hãy mặc quần áo có 2 đặc tính hút ẩm và thoáng khí. Nếu có điều kiện, mặc loại vải chất liệu cotton slub sẽ mỏng hơn cotton nguyên chất thông thường. Hoặc có thể chọn loại cotton pha lanh, vừa mềm mại, đẹp mà vẫn thoáng khí. Kiểu dáng cắt may là quan trọng, mùa hè mặc dáng suông, tránh đồ bó sát người. 

Ngoài khả năng nhiễm Covid-19, mùa hè nhất là người cao tuổi dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm đường tiêu hóa và các bệnh khác. Để phân biệt thân nhiệt tăng do say nóng với sốt nhiễm trùng, hãy bật điều hoà và quạt mát, đợi 15 phút, sau đó cặp lại nhiệt độ, nếu thân nhiệt không giảm trở về trạng thái bình thường, có khả năng bị nhiễm trùng; nên đến gặp bác sĩ để khám.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top