Sắp có siêu trăng trùng với nguyệt thực toàn phần

(khoahocdoisong.vn) - Hiện tượng siêu trăng và nguyệt thực toàn phần đồng thời xảy ra vào tối 26/5, trở thành hiện tượng thiên văn đáng mong đợi nhất năm.

Hiện tượng thiên văn kỳ thú đáng xem

Vào tối 26/5 (rằm tháng tư âm lịch), người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng siêu trăng thứ hai trong năm nay. Mặt Trăng được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ và về gần Trái Đất hơn trăng tròn thông thường. Trong lần siêu trăng sắp tới, quan sát từ Trái Đất, Mặt Trăng lớn hơn khoảng 14% và sáng hơn 30%. Đây là lần siêu trăng thứ hai trong số 3 lần Siêu Trăng của năm 2021. Lần siêu trăng cuối cùng của năm sẽ diễn ra vào ngày 25/6.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, lần siêu trăng thứ hai lại trùng với nguyệt thực toàn phần – là sự kiện thiên văn thú vị nhất có thể quan sát tại Việt Nam trong năm nay. Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời nằm chính xác trên một đường thẳng. Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn và chuyển dần sang màu đỏ thẫm, vì vậy hiện tượng này còn có tên gọi là trăng máu.

Lần nguyệt thực này kéo dài hơn 5 tiếng, bắt đầu lúc 15h47 phút khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất và chuyển sang màu đỏ nhạt, đạt cực đại lúc 18h18 phút khi Mặt Trăng nằm ở trung tâm vùng bóng tối và chuyển sang đỏ thẫm. Quá trình nguyệt thực toàn phần kéo dài khoảng 7 phút, sau đó chuyển sang nguyệt thực một phần, nguyệt thực nửa tối và kết thúc lúc 20h49 phút. Lần nguyệt thực này có thể quan sát được ở một vùng rộng lớn gồm Thái Bình Dương, phần phía Đông của châu Á, Nhật Bản, châu Úc và phía Tây của Bắc Mỹ. Tại Việt Nam có thể quan sát một phần diễn biến của nguyệt thực lần này, bắt đầu từ 18:35 khi Mặt Trăng mọc lên từ đường chân trời cho đến khi kết thúc.

Không giống như nhật thực phải quan sát bằng thiết bị chuyên dụng, nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường. Người quan sát nên chọn vị trí rộng rãi, thoáng đãi, ít đèn đường và khói bụi, có thể sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn để quan sát rõ hơn.

Không liên quan đến động đất, sóng thần

Siêu trăng chỉ là sự trùng hợp khi Mặt Trăng đi vào cận điểm (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của elip của nó quanh Trái Đất) vào đúng hoặc lân cận thời điểm Trăng tròn hoặc không Trăng. Với người quan sát trên Trái Đất, thời điểm không Trăng là không thể quan sát được, chỉ có thể quan sát sự trùng hợp này vào thời điểm Trăng tròn. Khi siêu Trăng xảy ra vào đêm Trăng tròn, đĩa sáng Mặt Trăng có đường kính lớn hơn thời điểm Mặt Trăng ở điểm viễn địa (điểm xa nhất trên quỹ đạo) khoảng 14% (diện tích lớn hơn khoảng 30%) và độ sáng lớn hơn khoảng 30%. Trên thực tế, so với hầu hết những lần Trăng tròn thông thường, siêu Trăng chỉ có đường kính lớn hơn dưới 10%, không gây ra khác biệt khi quan sát trực tiếp.

Hiện trên các mạng xã hội lan truyền những thông tin như hiện tượng siêu trăng gặp đúng nguyệt thực sẽ gây ra các hiện tượng thiên tai như sóng thần, động đất, theo ông Đặng vũ Tuấn Sơn đều là bịa đặt, không chính xác. thực tế lực hấp dẫn của giữa hai thiên thể gần như không tăng lên, có chăng chỉ đủ làm cho thủy triều cao hơn một chúc, nhưng cũng không đủ để chúng ta nhận ra bằng mắt thường. Đối với việc quan sát siêu trăng kèm nguyệt thục, trăng sẽ trông sáng hơn và lớn hơn, nhưng thực tế con số này là rất nhỏ và cũng khó nhận ra bằng mắt thường. Hầu hết người quan sát bằng mắt thường nhận ra sự khác biệt này đều là vì yếu tố tâm lý, đó là những người đã được nghe nói trước đó về việc Mặt Trăng sẽ lớn hơn thông thường. với người quan sát có kính thiên văn lọc ánh trăng thì việc quan sát có lẽ cũng thú vị. Về cơ bản thì hoạt động này không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến con người cũng như các điều kiện tự nhiên của Trái Đất.

Theo Đời sống
back to top