Sản xuất Trung Quốc suy giảm và "hiệu ứng domino"

(khoahocdoisong.vn) - Hàng trăm nhà sản xuất tầm cỡ tại Vũ Hán đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà máy này tạm dừng hoạt động vì dịch nCoV đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, vốn chưa hồi phục sau một năm nhiều bất ổn.
Hàng trăm nhà máy trong đó có chuỗi cung ứng của các hãng ô tô lớn trên thế giới tại Vũ Hán phải tạm đóng cửa.

Hàng trăm nhà máy trong đó có chuỗi cung ứng của các hãng ô tô lớn trên thế giới tại Vũ Hán phải tạm đóng cửa.

Hiệu ứng domino

Kinh tế Trung Quốc hiện đóng góp khoảng 17% GDP toàn cầu và là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới về hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp. Do đó, khi nền sản xuất nước này ảnh hưởng vì dịch bệnh, thì các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng không tránh khỏi bị tác động lớn.

Theo Bloomberg, hàng hóa trung gian của Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới 40% chuỗi cung ứng tại châu Á. Riêng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhập khẩu tới 10% hàng hóa trung gian từ các nhà máy ở Trung Quốc.

Một nghiên cứu do Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản hợp tác thực hiện cho biết, cứ 10 tỷ USD giá trị sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc suy giảm do tình trạng gián đoạn sản xuất, thì hàng hóa linh kiện xuất khẩu của nước này sang Hàn Quốc sẽ giảm gần 300 triệu USD, dẫn đến giá trị xuất khẩu hàng hóa hoàn thiện của Hàn Quốc giảm khoảng 200 triệu USD, Nhật Bản cũng chịu mức tổn thất tương tự.

Những năm gần đây, giá trị trao đổi thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc đã tăng lên mức 22% tổng kim ngạch thương mại, cao hơn mức 15% với Mỹ, nên mức độ phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu không hề nhỏ. Những nền kinh tế khác phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ và Đài Loan cũng chịu nhiều tổn thất.

Cũng theo nghiên cứu trên, nếu giá trị sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc suy giảm 10 tỷ USD, tổng thiệt hại của tất cả các nước và khu vực trên toàn cầu sẽ lên đến 6,7 tỷ USD. Do vậy, nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tổn thất do tác động của dịch nCoV, hầu như các nước khác trên toàn cầu đều bị tổn thương.

Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện rất quan trọng. Tác động của bệnh dịch lần này sẽ làm các thị trường như nguyên liệu, sản xuất, lao động bị xáo trộn. Trong khi thương chiến Trung - Mỹ trong 2 năm qua khiến nền kinh tế Trung Quốc đi xuống rất nhiều.

Hiện nay, các xí nghiệp ở Trung Quốc đang thiếu người nghiêm trọng do dịch bệnh. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, kể cả ở những vùng xa xôi, không liên quan đến dịch bệnh tăng lương tới 150% cũng không có người đến làm. Với tình trạng chi phí lao động tăng vọt mà không tìm được người, dẫn tới các doanh nghiệp phải dừng hoạt động, và dừng giao thương.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, các chuyên gia thế giới gọi dịch nCoV là “hiện tượng kích hoạt”, giống như hiệu ứng domino, làm cả chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn. Vùng Hồ Bắc là trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc, cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn trên toàn cầu. Vì vậy, việc đóng cửa Hồ Bắc đã ảnh hưởng rất lớn. Hàng Châu, Tô Châu cũng tương tự như vậy.

Mức độ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện có thể thấy mức độ ảnh hưởng rõ rệt và nghiêm trọng của dịch nCoV lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, “tăng trưởng GDP quý I sẽ không thể đạt được mức dự báo ban đầu". Sự hỗ trợ của nhà nước như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… chỉ là tạm thời, không thể trông đợi nhiều. "Chúng ta phải làm căn cơ hơn, dài hạn hơn, như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn…" - TS Sơn nói.

Theo Báo cáo Đánh giá tác động đối với kinh tế thế giới, Trung Quốc và một phần đối với Việt Nam do TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả thực hiện, nguy cơ kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của dịch nCoV là tương đối cao. Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và du lịch hàng đầu của Việt Nam, nên mức ảnh hưởng tới kinh tế trong nước chắc chắn không nhỏ.

Theo nhóm tác giả, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, thì các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư sẽ dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020. Với diễn biến như vậy, GDP Việt Nam quý 1 có thể giảm khoảng 1,22 điểm %; GDP quý 2 giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %.

Nếu dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, hệ lụy sẽ rất xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Theo kịch bản này, do dịch bệnh, GDP quý 1 có thể giảm 1,24 điểm %, GDP quý 2 giảm 1,46 điểm % và GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh nCoV có sức lây lan mạnh và chưa có vaccine, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, diễn biến rất khó lường. Dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, Trung Quốc và Việt Nam. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh cũng như khả năng kiểm soát dịch của Trung Quốc và các nước

Tình trạng phong tỏa tại Vũ Hán.

Tình trạng phong tỏa tại Vũ Hán.

Báo cáo của chứng khoán Maybank Kim Eng (Việt Nam) nhận định, tại Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch nCoV. Malaysia và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng không nghiêm trọng bằng. Trong khi đó, Indonesia và Philippines là hai nước ít bị ảnh hưởng nhất.

Toàn cầu hóa đã khuyến khích các công ty xây dựng chuỗi cung ứng xuyên biên giới, khiến các nền kinh tế có tính kết nối hơn. Ngân hàng trung ương nhiều nước đã chuẩn bị để đối phó với các kịch bản đi xuống của kinh tế. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, một đại dịch nghiêm trọng có thể gây thiệt hại kinh tế lên đến 5% GDP toàn cầu, hoặc hơn 3 nghìn tỷ USD.

Trả lời CNBC, Bộ trưởng Công thương Singapore Chan Chun nhận định, ngày nay, Trung Quốc tham gia vào các chuỗi cung ứng của nhiều sản phẩm cao cấp. Điều này có nghĩa là tác động của dịch nCoV đến các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rất lớn. Đây là bài học để mọi người nghiêm túc xem xét lại tính bền vững của chuỗi cung ứng. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc tìm chuỗi cung ứng thay thế hàng hóa Trung Quốc là phương án rất khó bởi Trung Quốc lâu nay là mắt xích thống lĩnh chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Đời sống
Yến mạch thật giả lẫn lộn

Yến mạch thật giả lẫn lộn

Ngũ cốc yến mạch từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng bổ trợ sức khỏe như giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết,... Sản phẩm được nhiều người tin dùng dẫn tới việc yến mạch bị làm giả, chất lượng kém tràn lan trên thị trường.
back to top