Sản xuất thuốc không đạt chất lượng, kinh doanh của HDpharma sa sút

(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP Dược Vật tư y tế Hải Dương (HDpharma) là một trong những công ty dược bị thu hồi thuốc và xử phạt vi phạm hành chính nhiều nhất do vi phạm chất lượng thuốc. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của công ty lại kém khả quan, nhiều năm trong tình trạng tuột dốc.

Công ty sản xuất, kinh doanh thuốc có vấn đề về chất lượng

Mới đây, ngày 18/3/2021, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với HDpharma số tiền 50 triệu đồng. Cụ thể, thuốc viên nang mềm Dacodex (có tác dụng làm giảm các triệu chứng ho) do HDpharma không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tính, vi phạm mức độ 3. Đây là lô thuốc được sản xuất ngày 26/3/2020, có hạn sử dụng trong 3 năm.

Trước đó, tháng 11/2020, Cục Quản lý Dược cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khẩn trương thu hồi lô thuốc trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo lô thuốc trên không còn lưu thông trên thị trường.

Đây không phải là lần đầu tiên HDpharma vi phạm trong lĩnh vực y tế, sản xuất thuốc không đạt chỉ tiêu.

Tháng 11/2020, HDpharma đã phải nộp phạt 70 triệu đồng do sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm mức độ 2 đối với sản phẩm viên nang mềm Acyclovir 400mg. Acyclovir được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng như zona, thủy đậu, herpes... Lô thuốc Acyclovir không đạt chất lượng này bị thu hồi và tiêu huỷ hoàn toàn.

Thuốc vi phạm mức độ 2 là thuốc không đảm bảo đầy đủ hiệu quả điều trị hoặc có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng. Còn thuốc vi phạm độ 3 là thuốc không đạt chất lượng về chỉ tiêu cảm quan, tỷ trọng.

Hoặc như lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mãnh lực (Bổ thận tráng dương) do HDpharma sản xuất năm 2018 (số lô: 010618) cũng bị thu hồi do chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã áp dụng.

Dòng sản phẩm thực phẩm có tác dụng bổ thận tráng dương này có kết quả kiểm nghiệm dương tính với Hydroxyhomosildenafin. Đây là chất cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương. Nhóm chất này có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho sức khoẻ. Việc lạm dụng Hydroxyhomosildenafin sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài, nguy hiểm không lường trước được.

Nhiều lô sản phẩm thuốc của HDpharma bị thu hồi do không đạt chất lượng.

Nhiều lô sản phẩm thuốc của HDpharma bị thu hồi do không đạt chất lượng.

Năm 2018, sản phẩm khác do HDpharma sản xuất là thuốc viên bao đường Hipolten (Mộc hoa trắng 500mg) cũng bị xử lý vì không đảm bảo chất lượng về chỉ tiêu định lượng.

Vào năm 2016, Cục Quản lý Dược đã có Công văn yêu cầu HDpharma tạm dừng sản xuất thuốc tiêm Gluxadol 40mg/2ml và thu hồi 02 lô thuốc tiêm Gluxadol 40mg/2ml do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cũng trong năm 2016, dung dịch tiêm Lidocain hydrochloid 40mg/2ml của HDpharma bị đình chỉ lưu hành với lý do tương tự.

Hoạt động sản xuất thuốc trên dây chuyền sản xuất thuốc tiêm tiệt trùng cuối, thuốc tiêm không tiệt trùng cuối, hỗn dịch tiêm không chứa kháng sinh nhóm β-Lactam bị yêu cầu tạm dừng hoạt động kể từ ngày 15/5/2016.

Liên tiếp trong nhiều năm liền, HDpharma phải nộp phạt vi phạm hành chính do vi phạm sản xuất thuốc không đạt chỉ tiêu chất lượng. Năm 2016, số tiền phải nộp phạt của công ty là 151 triệu đồng, năm 2017 nộp phạt 32 triệu đồng. Năm 2018 và 2019, HDpharma bị phạt 256 triệu đồng. Và sang năm 2020, số tiền nộp phạt vi phạm lên tới 321 triệu đồng.

Dường như, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Chỉ cần bỏ ra một vài trăm triệu nộp phạt, sau đó công ty vẫn tiếp tục sản xuất thuốc không đạt chất lượng, có thể gây nguy hại cho sức khoẻ người sử dụng.

Chất lượng kinh doanh sa sút

HDpharma vốn là một doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá vào năm 2002. Bắt đầu từ 2010, công ty có nhiều bứt phá trong kinh doanh, đạt được sự tăng trưởng lớn trên 2 con số, thậm chí tăng trưởng gấp đôi.

Có thể nói, năm 2017 là thời kỳ đỉnh cao của HDpharma cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế, lần lượt đạt 859 tỷ đồng và 62 tỷ đồng. Nhưng sang đến năm 2018, kết quả kinh doanh bắt đầu xuống dốc và không có dấu hiệu dừng lại.

Các chỉ số tăng trưởng qua từng năm liên tục ghi nhận giá trị âm. Doanh thu mỗi năm giảm vài chục tỷ đồng, trong khi chi phí vẫn tăng đều. Lợi nhuận trước thuế giảm sút rõ rệt.

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của HDpharma ghi nhận giá trị 36 tỷ đồng, mặc dù có tăng nhẹ 9% (tương tương tăng thêm 3 tỷ đồng) so với năm 2019, nhưng giảm 14% so với năm 2018 và chỉ bằng 58% lợi nhuận thu về của năm 2017.

Các chỉ số sinh lời trên vốn (ROE) và sinh lời trên tài sản (ROA) cũng sụt giảm mạnh, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của HDpharma đang ngày càng suy yếu. Nếu như chỉ số ROE của HDpharma trong năm 2017 đạt 23,3% thì sang năm 2018 chỉ còn 11,9% và đến 2 năm gần đây giảm tiếp còn 10%. Tương tự, chỉ số ROA cũng giảm từ 10,3% (năm 2017) xuống còn trên 4% những năm sau đó.

Như vậy, lợi nhuận sinh ra từ vốn góp của các cổ đông đang bị hao mòn dần theo từng năm do kinh doanh kém hiệu quả.

Việt Nam hiện đang là thị trường dược lớn thứ 2 của Đông Nam Á và là một trong 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất.

Tuy nhiên, với chất lượng sản xuất thuốc đi xuống, liên tiếp bị thu hồi thuốc và sản phẩm dược, bị xử lý vi phạm, HDpharma không thể tạo cho cho mình khả năng cạnh tranh vượt trội, nâng tầm kinh doanh.

Thay vì xây dựng một thương hiệu thuốc tân dược, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ tốt thì HDpharma luôn được nhắc tới với những công văn yêu cầu thu hồi thuốc không đạt chất lượng, xử lý vi phạm từ cơ quan chức năng.

Theo Đời sống
back to top