Săn sa nhân quả nơi tiếp giao trời đất

(khoahocdoisong.vn) - Đèo Pha Đin là nơi tiếp giao trời đất, quanh năm sương giăng trên những cánh rừng cổ thụ, nơi đây được ban tặng một loại dược liệu quý giá – cây sa nhân.

Đồng bào dân tộc gọi cây sa nhân là “mác nẻng” hoặc “co nénh”. Các nhà khoa học đã ghi nhận nước ta có khoảng 15 loại sa nhân, trong đó sa nhân tím và trắng là 2 loại có dược tính cao nhất. Vừa hay, Điện Biên có đủ 2 loại này.

Thần dược dưới lòng đất

Sa nhân thuộc loại cây thân thảo cao 2 - 3m, nhìn gần giống như cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng. Rễ lan tới đâu,  chồi non mọc đến đấy.

Lá sa nhân mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình trái xoan, mặt lá xanh thẫm, láng bóng. Hoa màu trắng, đốm tía, mọc thành chùm. Vào tháng 6, tháng 7 âm lịch, sa nhân bước vào mùa chín rộ. Lúc này người ta sẽ vào rừng thu hoạch sa nhân. Quả sa nhân mọc thành từng chùm sát đất, mỗi chùm có khoảng từ 15 – 20 quả hoặc hơn. Bề ngoài quả sa nhân có gai giống như quả chôm chôm kích thước khoảng 1,3 – 1,6cm, cá biệt có quả rất lớn và nặng tới cả kg với lớp vỏ cứng như đá. Quả sa nhân có hình cầu hoặc hơi dài, thuộc dạng quả nang. Khi tách vỏ sẽ thấy bên trong có 3 múi gần giống với quả măng cụt và có vị thơm. Mỗi quả có từ 13 – 28 hạt được bao ngoài bằng lớp vỏ màu trắng.

Quả sa nhân có gai màu tím nâu, khi chín lớp vỏ chuyển sang màu tím đen, các gai thưa dần. Người đi rừng vào mùa hè thường tìm quả sa nhân để giải tỏa cơn khát bởi cũng gần giống như dứa, sa nhân có vị ngọt kèm chua.

Theo lương y Nguyễn Khắc Bảo (Bắc Ninh) thì trong các sách thuốc Đông y của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam đều nói về sa nhân như một loại thần dược. Đây còn là vị thuốc được các ngự y chuyên dùng phục vụ cung đình. Sa nhân còn có các tên gọi như: Dương xuân sa, đậu khấu hay súc sa mật.  Thành phần để làm thuốc là hạt. Hạt sa nhân chứa tinh dầu có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa.

Ngày nay, sa nhân được xem là dược liệu quý giá chữa các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, ợ chua, ăn không tiêu... Trẻ em bị sâu răng có thể dùng hạt sa nhân nghiền mịn chấm vào chỗ răng bị đau sẽ có tác dụng tức thì. Hạt sa nhân cũng được đặc biệt tin dùng để an thai. Phụ nữ có thai bị nôn nghén nhiều, hoặc có triệu chứng động thai có thể dùng quả sa nhân sao qua, nghiền mịn quấy vào cháo nóng. Ăn ngày hai lần vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ.

Hiện nay, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu về tác dụng của hạt sa nhân trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân bị xơ gan cổ trướng.

Săn sa nhân quả nơi tiếp giao trời đất ảnh 1

Quả sa nhân mọc thành từng chùm sát đất, mỗi chùm có khoảng từ 15 – 20 quả hoặc hơn.

“Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa. Thường dùng chữa ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, an thai” - Lương y Nguyễn Khắc Bảo (Bắc Ninh)

“Săn” quả dưới đất

“Mọi loại quả đều mọc trên cây, riêng sa nhân quả lại mọc dưới gốc, thậm chí mọc dưới lòng đất. Nhiều người gọi đó là củ, nhưng thật ra củ đó chính là quả. Một loại quả quý có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ con người và lại giải khát rất tốt”, lương y Nguyễn Khắc Bảo cho biết.

Ở xã Tỏa Tình (Tuần Giáo – Điện Biên) bà con trong các bản làng nơi đây vẫn giữ thói quen tìm quả sa nhân để ăn hoặc giã lấy nước uống khi đi rừng. Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, quả sa nhân hiếm dần nên phải rất may mắn mới tìm được. Anh Vù Minh Thang, nhà ngay chân đèo Pha Đin làm nghề khai thác phong lan rừng, cho biết: “Bây giờ quả sa nhân có giá nên nếu “săn” được thì hầu như để dành để bán, chùm quả nhỏ thì mới dám ăn.

Cũng theo anh Thang, sa nhân tự nhiên khi chín có màu đen, vỏ gai như chôm chôm nhưng cứng. Vị sa nhân ngọt như đường rất thơm, có thể ăn cả hạt, nhưng ăn vào thì nhanh no. Để kiếm được quả sa nhân, anh Thang phải đi sâu vào trong rừng, tìm đến những vùng cây mọc xen kẽ giữa ngọc cẩu và thảo quả. “Ở những vùng này thì sa nhân thường “mọc ké”. Nhưng phải rất tinh mắt thì mới phát hiện ra vì cây sa nhân rất giống thảo quả”, anh Thang bật mí.

Khoảng vài năm trước, đi rừng tìm sa nhân rất dễ. Nhưng bây giờ thì gần như cạn kiệt. Phải đi sâu vào trong rừng rậm, vạch tìm ở những bụi gai, hốc đá thì may ra mới còn. Bởi theo anh Thang, ngay cả dân du lịch bụi cũng vào rừng lùng sục tìm sa nhân.

Quả sa nhân mọc sát gốc hoặc mọc dưới đất cho nên việc tìm kiếm lại càng khó khăn. Có những đận, khách dưới xuôi lên đặt hàng, anh Thang và một số bà con xã Tỏa Tình vào rừng kiếm sa nhân, nhưng có khi cả ngày mới đào được một vài quả để bán.

“Hiện cây sơn tra, sa nhân và cà phê là các loại cây chiếm số lượng diện tích lớn nhất trong toàn xã, giúp bà con dân tộc thoát nghèo. Mấy năm trước, ở địa phương còn nghề vào rừng tìm kiếm sa nhân tự nhiên. Nhưng bây giờ hiếm quá nên người đi rừng thưa thớt dần” - ông Mùa A Dề (Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình)

Cây thoát nghèo của người Mông

Người Mông ở Bản Lồng thuộc xã Tỏa Tình sinh sống bên Quốc lộ 6 cũ, trên đỉnh đèo Pha Đin. Họ trồng nhiều loại cây nông nghiệp khác như sơn tra, cà phê. Đặc biệt từ nhiều năm trở lại đây, cây sa nhân được đồng bào xem như một loại cây quý. Bởi cũng giống như hương vị, sa nhân đang đem về “trái ngọt” kinh tế.

Anh Mùa Sáy Tòng một trong những người trồng cây sa nhân thành công ở bản Lồng cho biết: “Ban đầu người dân nơi đây cũng không mấy mặn mà với loại cây trồng này bởi nó mọc hoang khắp núi. Chỉ có trẻ chăn trâu với người đi rừng tìm quả ăn cho vui thôi. Khi người dưới xuôi lên bảo cây này làm thuốc được, dân bản mới có vài người trồng”.

Anh Tòng cũng trồng thử 15 cây sa nhân nhưng rồi cũng để đấy không chăm sóc. Tầm chục năm sau, thương lái tìm đến tận nhà anh Tòng thu mua hết quả sa nhân với giá cao gấp trăm lần hạt ngô. Anh Tòng phấn khởi kể lại: “Năm 1993 mình chỉ trồng thử vì nghĩ để đất không cũng phí. Không chăm bón mấy nên quả cũng không nhiều, cứ phơi khô gom lại. Người dưới xuôi lên mua hết với giá 15 triệu đồng”.

Nếm được “quả ngọt”, gia đình anh Tòng cùng rất nhiều hộ dân khác ở bản Lồng đã nhân giống sa nhân và dày công chăm sóc. Khi cây đã lớn, mọc kín và lan ra khắp các tán rừng thì hầu như hằng năm chỉ nhổ cỏ vài lần. Đợi đến tháng 7 chỉ việc đi thu quả, tư thương sẽ đến tận nơi thu mua. Khi sa nhân đến mùa đậu quả hoặc thu hoạch, dân bản đều làm lán tạm ngay trong rừng và cử người canh giữ.

Giá thành quả sa nhân dao động từ 600.000 – 700.000đ/1kg.  Những năm cây phát triển kém, giá có thể cao hơn nữa, thậm chí cung không đủ cầu. Thương lái từ Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng phải lên tận bản Lồng đặt cọc trước với người trồng sa nhân.

Theo Đời sống
back to top