Sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam”: Ra mắt hoành tráng, số phận hẩm hiu

Ra mắt hoành tráng, truyền thông rầm rộ, nhận được sự quan tâm đông đảo của người dùng trong nước. Nhưng những sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam” như Bphone, Asanzo... lại chật vật trên chính sân nhà của mình. Để rồi khi nhắc đến người ta lại có cái gì đấy buồn cho số phận hẩm hiu của chúng.

Bphone của Bkav

Năm 2015, Bkav đã chính thức ra mắt Bphone trong đỉnh điểm tò mò, trong rầm rộ tiếng khen, lời chê của dư luận. Một chiếc điện thoại thông minh “Made in Vietnam” được CEO Nguyễn Tử Quảng miêu tả là “không thể tin được” đã ra mắt công chúng.

Lúc ấy, nhiều người nói, Bkav đã "chơi" một canh bạc lớn và rất có thể, tập đoàn công nghệ này sẽ sớm dừng chân trong cuộc đua sản xuất smartphone.

6 năm với gần 10 phiên bản điện thoại Bphone được trình làng, Bphone đã trải qua một hành trình đầy sóng gió, mà đích đến trở thành thương hiệu điện thoại của người Việt dường như còn quá xa vời. Khi thương hiệu Bphone dần “chìm nghỉm” giữa vô vàn các thương hiệu lớn đến từ các quốc gia khác trên thế giới.

1589122354000_68f75ab2cc1c9f8a9b3139ff78c8651e.jpg

CEO của Bkav Nguyễn Tử Quảng giới thiệu các mẫu Bphone E86

(ảnh: Nhân dân online)

Dạo quanh một vòng các chuỗi bán lẻ điện thoại lớn như Thế giới di động, Điện máy xanh, FPT… Phóng viên Khoa học và Đời sống chỉ bắt gặp những thương hiệu quen thuộc đến từ các hãng lớn như Apple, Samsung và một cái tên vốn quen thuộc đến từ anh bạn hàng xóm Trung Quốc.

Đáng nói hơn Bphone dường như biến mất trong sự lựa chọn khi mua điện thoại của người Việt.

Anh Lê Cường ở Hà Nội, một khách hàng đến Thế giới di động để chọn mua Smartphone trao đổi nhanh với phóng viên: “Ngày trước mình cũng có nghe nhiều về điện thoại Bphone do Việt Nam sản xuất và cũng tính đến việc ủng hộ Bphone khi đổi điện thoại. Nhưng thú thật đến thời điểm này mình không còn ý định đó nữa vì thực sự Bphone không để lại cho mình ấn tượng gì trong suốt những năm qua”.

Asanzo của CEO Phạm Văn Tam

Cuối năm 2013, thị trường điện tử bỗng thấy xuất hiện thương hiệu tivi mới, thương hiệu tivi dành riêng cho người Việt, tivi Asanzo.

Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần. Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng.

Với hơn 70 dòng sản phẩm, từ một doanh nghiệp "vô danh tiểu tốt", Asanzo đã vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam.

Đến năm 2019 Asanzo vướng vào bê bối “hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam”, khiến doanh nghiệp trải qua 90 ngày điêu đứng. Đa số các chuỗi bán lẻ điện tử lớn như Nguyễn Kim, Pico... đều dừng phân phối sản phẩm. Đến nay, thương hiệu Asanzo vẫn là thứ gì đó như vết gợn với người tiêu dùng.

Anh N.T. Tuấn, Đại diện bán hàng của một chuỗi siêu thị điện máy khá lớn ở Hà Nội chia sẻ: “Công ty không còn phân phối các mặt hàng cho Asanzo từ lâu do lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh”. Khi phóng viên hỏi khách hàng khi đến cửa hàng có hỏi về sản phẩm của Asanzo không, anh Tuấn bộc bạch “thú thật là chẳng ai hỏi đến cả”.

Dạo qua một vòng các chuỗi bán lẻ lớn như Điện máy xanh, Pico, Nguyễn Kim… phóng viên tuyệt nhiên không thấy sản phẩm nào của Asanzo được bày bán trên kệ hàng, kể cả các sản phẩm như tivi, điều hòa hay các sản phẩm điện tử khác.

Chuỗi bán lẻ vắng bóng thương hiệu Asanzo. (ảnh: Phúc Sơn)

Đa phần người tiêu dùng chỉ có thể mua các sản phẩm của Asanzo qua các kênh thương mại điện tử như shopee, Lazada.. hay các cửa hàng nhỏ lẻ khác chủ yếu ở vùng ngoại ô hoặc các vùng nông thôn.

Từ một thương hiệu lọt vào top 3 trong ngành hàng điện tử tại Việt Nam, Asanzo giờ đây còn lại gì khi các chuỗi bán lẻ và người tiêu dùng đã quay lưng?

Theo Đời sống
back to top