Sàn giao dịch nhị phân Lotus886 lừa đảo, ngang nhiên thách thức pháp luật

Lotus886 ngang nhiên hoạt động trái phép tại Việt Nam dưới tên miền lotus886.nuopm.com. Bằng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhóm đối tượng này đã lừa đảo tiền của nhiều người. Đặc biệt, các đối tượng này ngang nhiên thách thức pháp luật, đe dọa nhà đầu tư khi bị phát hiện.

Sập bẫy “chuyên gia”

Sau khi đăng tải bài viết về “Những mánh lừa đảo của các sàn Forex: Nhà đầu tư cháy túi chỉ sau một đêm” - Khoa học và Đời sống đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc.

Đáng chú ý là lời kêu cứu của anh N.G.Huy đang cư trú tại Hà Nội. Để xác minh, phóng viên đã tìm hiểu những thông tin liên quan xoay quanh vụ việc này.

Gặp phóng viên trong tâm trạng lo sợ, nhiều ngày liền mất ăn, mất ngủ, anh Huy chia sẻ: Anh là người gốc Sài Gòn, hơn một năm nay anh theo bố ra Hà Nội làm. Do tình hình dịch bệnh kéo dài, gia đình anh không có việc gì làm thêm, nguồn thu của cả gia đình chỉ trông vào số tiền lương ít ỏi của bố.

Thông qua mạng xã hội có một người tên Nguyễn Tuấn Ngọc, tự xưng là “chuyên gia” trong lĩnh vực tài chính, có thể giúp anh Huy kiếm lời hàng chục triệu đồng mỗi ngày qua hình thức “đầu tư” ngoại hối.

Như chết đuối vớ được cọc, anh Huy đã trao đổi rất nhiệt tình với đối tượng này. Biết anh Huy đã sập bẫy, đối tượng này đã giới thiệu anh đến một sàn giao dịch có tên Lotus886 (lotus886.nuopm.com).

Ngọc giới thiệu đây là một sàn giao dịch uy tín của nước ngoài, hoạt động hoàn toàn hợp pháp tại Việt Nam, rồi liên tục gửi hình ảnh những người đã rút số tiền hàng trăm triệu đồng từ sàn giao dịch này.

Chưa dừng lại ở đó, nhóm đối tượng này đã giới thiệu cho anh Huy với một “chuyên gia” có tên Nguyễn Đắc Tăng, kèm theo chứng minh thư nhân dân và địa chỉ công ty tại Hà Nội để tạo sự tin tưởng.



Chân dung “chuyên gia” Nguyễn Đắc Tăng kèm theo chứng minh thư (ảnh do người bị hại cung cấp).

Khi nhận được những tấm hình này anh Huy đã tin tưởng mở tài khoản tại lotus886.nuopm.com và được giao cho 1 người, tự xưng là “thầy”, có nickname giao dịch là Tony Dương. Nhóm người này liên tục hối thúc anh nộp tiền vào tài khoản để giao dịch kiếm lời, theo sự tư vấn của Dương.

Do quá tin tưởng vào vẻ ngoài bóng bẩy, hơn nữa do Tăng tự giới thiệu mình đang làm việc trong một cơ quan nhà nước (!?), anh Huy đã nộp tổng cộng số tiền gần 80 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của một người tên Phan Ngọc Tuấn, số tài khoản được mở tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). Kèm với lời cam kết bảo toàn vốn từ các đối tượng.

Hiện nguyên hình lừa đảo

Sau nhiều ngày giao dịch, anh Huy đặt lệnh rút tiền về tài khoản ngân hàng. Lúc này anh mới té ngửa khi biết mình không thể rút được tiền. Lý do được nhóm đối tượng đưa ra là do anh Huy chưa KYC (xác minh danh tính) nên không thể rút được tiền.

Nhóm này yêu cầu anh Huy cập nhật căn cước công dân lên hệ thống của chúng, để thực hiện rút tiền. Nhưng khi làm theo sự hướng dẫn trên, anh Huy vẫn không thể nào rút được số tiền mình đã nộp vào sàn giao dịch này.

Sau khi gửi phản hồi đến “chuyên gia”, anh Huy được nhóm này hướng dẫn, nếu muốn rút được tiền nhanh thì cần nộp thêm tiền phí giao dịch cho chúng, để chúng xử lý giao dịch. Do quá sốt ruột với số tiền lớn, lại là tiền vay mượn bên ngoài. Anh Huy lại một lần nữa sập bẫy, khi chuyển vào số tài khoản cá nhân của Phan Ngọc Tuấn gần 20 triệu đồng tiền “phí bôi trơn” để rút tiền.

Những tưởng sau khi nhận được số tiền “bôi trơn” các đối tượng này sẽ trả lại tiền, nhưng không, sau khi nhận được tiền, chúng lập tức thông báo, anh vẫn không thể rút được tiền, nếu như không mua “Fim” từ nước ngoài với giá 2.000USD (khoảng 47 triệu đồng), để tiến hành xác minh danh tính.

Lúc này anh Huy mới biết mình đã bị lừa và số tiền gần 100 triệu đồng anh nộp vào số tài khoản của Phan Ngọc Tuấn sẽ chẳng thể nào lấy lại.

Ngang nhiên thách thức pháp luật

Theo địa chỉ các đối tượng cung cấp, phóng viên đã tìm đến tầng 4, tòa nhà Láng Trung, số 60, ngõ 850 đường Láng, Hà Nội, để tìm hiểu sự việc. Theo ghi nhận thì tầng 4 của tòa nhà này là trụ sở của Công ty ASK do một diễn giả có tiếng tại Việt Nam là người đại diện pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, một nhân viên của ASK cho biết, hoàn toàn không biết Lotus886 và cũng chưa từng nhìn thấy chuyên gia tên Tăng theo ảnh nhận diện mà phóng viên cung cấp.

Tòa nhà B&B số 60 ngõ 850 đường Láng nơi các đối tượng khẳng định là trụ sở công ty của Lotus886 (ảnh: Phong Vũ).

Điều đáng nói ở đây là các “chuyên gia” của Lotus886 lại để hình nền trên mạng xã hội có logo của ASK đằng sau và liên tục khẳng định công ty của mình là ASK tại Hà Nội. Phải chăng các đối tượng này đang lợi dụng uy tín, hình ảnh của ASK để thực hiện hành vi lừa đảo?

Khi phát hiện trụ sở công ty là giả, anh Huy đã trực tiếp gọi điện cho Tony Dương (người tự xưng là thầy), để truy vấn trước sự chứng kiến của phóng viên. Đối tượng này đã hiện nguyên hình lừa đảo với những lời lẽ đầy tính thách thức và tự nhận Lotus886 chỉ là một trò cờ bạc.

“Em ơi, em đang tham gia đánh bạc bên anh với số tiền lớn đó, em báo công an đi xem họ bắt em đi trước hay bắt tụi anh… Bên anh là sàn giao dịch nước ngoài, công an không bắt được bọn anh đâu…”. Sau đó đối tượng nhắn tin đe dọa anh Huy sớm thuê luật sư để tránh bị ngồi tù.

Hơn nữa, Tony Dương còn ví Lotus886 với những trang cá cược bóng đá lớn trên thế giới, đang hoạt động trái phép tại Việt Nam và cho rằng lực lượng Công an “chẳng làm gì được chúng”. Chỉ có ai ngu thì chết…

Những đối tượng sử dụng những thủ đoạn lừa đảo tinh vi gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, Khoa học và Đời sống kiến nghị lực lượng chức năng sớm vào cuộc làm rõ hành vi của các đối tượng này để trả lại sự yên bình cho xã hội.

Đầu tư Forex hiện nay tại Việt Nam đều chưa được sự cho phép của pháp luật. Do đó, người chơi cần cảnh giác trước những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ từ môi giới để tránh các rủi ro về tài chính và pháp lý cho bản thân.

Nếu có hành vi gian dối để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các đối tượng có thể bị truy tố theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt cao nhất lên tới tù chung thân.

Trường hợp nhân viên môi giới hay sàn Forex sử dụng các chiêu trò gian dối, khiến nhà đầu tư thua lỗ, mất tiền có thể bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015. Với mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 tù.

Người dân khi phát hiện các hành vi lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo các quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức Đạt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) 

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top