Sâm tươi ngâm rượu

(khoahocdoisong.vn) - Độc sâm tửu tính nóng, vị ngọt đắng cay, có công dụng tán hàn khí, thông huyết mạch và dẫn các vị thuốc. Vì vậy, nhân sâm khi đem ngâm rượu thì công lực trở nên nhanh và mạnh hơn nhiều.

Hỏi: Gia đình tôi được biếu một củ sâm tươi để ngâm rượu. Xin hởi, lứa tuổi nào uống thì phù hợp và có tác dụng trị bệnh lý gì?

Nguyễn Thị Nhung (Bắc Giang)

BS Khánh Hiển, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Trong y học cổ truyền, nhân sâm là một vị thuốc quý, có công dụng đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân an thần và làm tăng trí nhớ. 

Rượu ngâm mỗi vị nhân sâm được gọi là Độc sâm tửu. Vì rượu tính nóng, vị ngọt đắng cay, có công dụng tán hàn khí, thông huyết mạch và dẫn các vị thuốc, vì vậy, nhân sâm khi đem ngâm rượu thì công lực trở nên nhanh và mạnh hơn nhiều.

Độc sâm tửu đặc biệt tốt cho những người có thể chất yếu ớt, huyết áp thấp, bị suy nhược cơ thể sau khi ốm dậy, sau các cuộc phẫu thuật, người cao tuổi, người mắc các chứng bệnh thuộc thể khí hư biểu hiện bằng các triệu chứng như cơ thể yếu nhược, mệt mỏi vô lực, da mặt nhợt nhạt, tay chân lạnh, hay bị cảm lạnh, dễ vã mồ hôi vô cớ, ngại nói, khó thở, huyết áp thường thấp, đầu choáng mắt hoa, chán ăn, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, mạch yếu...

Rượu nhân sâm còn dùng để cấp cứu trong những trường hợp choáng, tụt huyết áp do mất máu, mất dịch hoặc mắc các bệnh lý truyền nhiễm cấp tính. Những người bị hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, những người có thể chất viêm nhiệt thì không được dùng loại rượu này. Độc sâm tửu nên uống vào ban ngày, không nên uống vào chiều tối vì dễ gây hưng phấn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Theo Đời sống
back to top