Sai phạm tại Đại học Đông Đô: Không chỉ có ngành Ngôn ngữ Anh

(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa thông báo kết luận điều tra tại trường Đại học Đông Đô khẳng định bằng Ngôn ngữ Anh (Văn bằng 2) do trường này cấp là bằng giả. Tuy nhiên, theo hồ sơ phóng viên ghi nhận được thì dường như ngành Ngôn ngữ Anh không phải cá biệt tại trường này?

Bằng Ngôn ngữ Anh là bằng giả?

Theo kết quả điều tra, Đại học Đông Đô đã gửi thông báo tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo và cá nhân. Có 12 cơ sở, cá nhân đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Cụ thể: Trường Trung cấp Thái Nguyên (do ông Nguyễn Công Sáng, Phó Hiệu trưởng làm đại diện ký hợp đồng); Công ty CP đầu tư quốc tế Mũi Tên Vàng (địa chỉ tại phố Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội); Công ty CP giáo dục và đào tạo FMT (địa điểm đặt lớp tại phường Mai Dịch, Hà Nội); Viện Kỹ thuật xây dựng và Quản trị doanh nghiệp (địa điểm đặt lớp tại quận 1, TPHCM); Viện Khoa học phát triển Nhân lực và Tài năng (địa chỉ đặt lớp tại quận Tân Phú, TPHCM); Trung tâm ngoại ngữ - tin học ECO (địa chỉ tại phường Trường An, TP Huế); Ông Nguyễn Hoài Vũ - Giám đốc Trung tâm Action English (địa chỉ tại Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM); Phòng tuyển sinh Đại học Đông Đô; Khoa Thú y Đại học Đông Đô…

Thông báo tuyển sinh hệ liên thông đại học chính quy ngành Kế Toán, Quản trị Kinh doanh của Trường Trung cấp Thái Nguyên.

Thông báo tuyển sinh hệ liên thông đại học chính quy ngành Kế Toán, Quản trị Kinh doanh của Trường Trung cấp Thái Nguyên.

Để thực hiện các hành vi sai phạm, đối tượng Nguyễn Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT trường hiện đang bỏ trốn) đã chỉ đạo Dương Văn Hòa ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân; ký các tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm 23 danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả; ký quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018...

Bà Trần Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức bài thi, tài liệu để Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo sau đó ký 10 giấy đề nghị in bằng cho 80 cá nhân được cấp bằng giả.

Ngoài ra, bà Trần Kim Oanh còn chỉ đạo bị can Trần Ngọc Quang (SN 1962, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và Quản lý sinh viên) làm giả bản photo quyết định về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 về việc công nhận 486 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành Tiếng Anh để làm thủ tục mua phôi bằng tại Bộ GD&ĐT.

Không những vậy, bà Trần Kim Oanh cũng đã chỉ đạo cấp dưới làm giả quyết định công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 và danh sách kèm theo có 382 học viên trúng tuyển và quyết định công nhận trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2016 kèm theo danh sách 47 cá nhân trúng tuyển để đối phó với Bộ GD&ĐT.

Tương tự, bị can Lê Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng cũng đã chỉ đạo hai cán bộ dưới quyền tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hướng dẫn cho các cá nhân hợp thức hồ sơ, bài thi để Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, ký 11 bảng điểm khóa học, ký tại mục Ban cấp bằng của 22 giấy đề nghị in bằng có danh sách 106 cá nhân được cấp bằng giả…

Nhiều ngành khác cũng nghi vấn sai phạm?

Theo tài liệu phóng viên Báo KH&ĐS thu thập được, sai phạm về tuyển sinh và đào tạo tại Trường Đại học Đông Đô không chỉ tại Khoa Ngoại ngữ, mà nhiều khoa khác cũng có tình trạng sai phạm tương tự trong công tác tuyển sinh.

Nội dung đơn kiến nghị của tập thể lớp KE52XXX chuyên ngành Kế toán hệ liên thông Đại học chính quy.

Nội dung đơn kiến nghị của tập thể lớp KE52XXX chuyên ngành Kế toán hệ liên thông Đại học chính quy.

Cụ thể, trong năm 2017, Trường Đại học Đông đô công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm: Công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước… Tuy nhiên, cũng như ngành Ngôn ngữ Anh có khá nhiều ngành cũng chưa đủ điều kiện đào tạo liên thông, chủ yếu các mã ngành được mở sau khi Nguyễn Khắc Hùng làm Chủ tịch HĐQT và cho xã hội hóa mã ngành.

Đơn cử: Theo nội dung đơn kiến nghị của tập thể lớp KE52XXX, vào khoảng cuối tháng 12/2017, Khoa Kế toán – Đại học Đông Đô đã tiếp nhận hồ sơ và học phí của  lớp KE52XXX chuyên ngành kế toán hệ liên thông Đại học chính quy. Việc tổ chức học diễn ra bình thường.

Đến cuối năm 2019, sau khi kết thúc môn học nhà trường không được tổ chức thi hết môn hay hết học kỳ cho sinh viên. Tiếp đó việc học không được diễn ra và sinh viên cũng không nhận được thông báo của khoa cũng như từ phía nhà trường.

Do vậy, lớp KE52XXX, đã làm đơn gửi ban lãnh đạo Khoa Kế toán, lãnh đạo nhà trường để hỏi rõ về tình hình học hành của lớp nhưng vẫn không nhận được phản hồi từ phía nhà trường.

Ngày 16/8/2020, đại diện Phòng Đào tạo, đại diện Khoa Kế toán đã trao đổi và hướng lớp theo học hệ đại học chính quy chứ không phải hệ liên thông đại học chính quy. Khi đó đại diện phòng đào tạo, khoa cho biết nếu chuyển sang hệ đại học chính quy sinh viên lớp KE52XXX được công nhận là sinh viên đại học chính quy do ngành kế toán chưa đủ điều kiện đào tạo hệ liên thông đại học.

Theo ý kiến sinh viên, ban đầu nhà trường tư vấn nộp hồ sơ khi trúng tuyển vào hệ liên thông Đại học chính quy sẽ học từ 1,5 - 2,5 năm khi chuyển sang hệ Đại học chính quy học khoảng 3,5 – 4 năm tương đương 132 tín chỉ. Như vậy, ngoài thời gian đào tạo kéo dài hơn thì kinh phí đào tạo mà Khoa Kế toán yêu cầu nộp khi học liên thông cũng cao hơn dự kiến ban đầu khoảng 20 triệu đồng và khi chuyển sang hệ đại học chính quy là 59 triệu đồng. 

Công văn số 951/TTr-NV3 của Thanh tra Bộ GD&ĐT chuyển Trường Đại học Đông Đô để xử lý nội dung kiến nghị của sinh viên.

Công văn số 951/TTr-NV3 của Thanh tra Bộ GD&ĐT chuyển Trường Đại học Đông Đô để xử lý nội dung kiến nghị của sinh viên.

Không chỉ sai phạm trong đào tạo, ngay trong vấn đề thu các khoản kinh phí của Trường Đại học Đông Đô cũng có nhiều bất thường. Cụ thể: Ngày 31/8/2020 Bộ nhận được đơn của tập thể lớp Luật Kinh tế LK 522-03 Đại học Đông Đô tại Hải Phòng (đã chuyển về 60 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh về việc Trường Đại học Đông Đô thu một số khoản phí, lệ phí như Khám sức khỏe, Bảo hiểm Y tế nhưng không tiến hành khám và không đóng bảo hiểm y tế cho học viên (không nhận được thẻ Bảo hiểm y tế) trong suốt 4 năm học. Ngày 12/10/2010 Thanh tra Bộ GD&ĐT có Công văn số 951/TTr-NV3 cho Trường Đại học Đông Đô để xử lý nội dung kiến nghị của sinh viên.

Vậy còn bao nhiêu ngành được Trường Đại học Đông Đô tuyển sinh Văn bằng 2, liên thông có dấu diệu vi phạm pháp luật. 

Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Đời sống
back to top