Sai một li đi cả chi!

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân càng ngày càng gia tăng do kiểm soát đường huyết và bàn chân không tốt.

Bệnh nhân là cụ bà (76 tuổi, Hưng Yên) được gia đình đưa đến một bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội, các bác sĩ đã chỉ định cắt chi vì 5 tháng nay vết loét ở chân của cụ vẫn loang ra và ngày một nặng thêm. Đây là lần thứ tư cụ bị cắt cụt chi do biến chứng của đái tháo đường. Một bệnh nhân khác cũng gặp trường hợp tương tự, nhưng vết loét nghiêm trọng hơn nhiều. Bệnh nhân đã từng bị cắt cụt chi lần 1, nhưng mỏm cụt loét lại, chuyên khoa ngoại đã chỉ định cắt cụt tiếp đến cẳng chân. Những trường hợp như thế này được gặp tại các bệnh viện không phải hiếm.

Lời bàn: TS.BS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân càng ngày càng gia tăng do kiểm soát đường huyết và bàn chân không tốt. Hầu hết bệnh nhân phải cắt cụt chi nhiều lần là do bệnh nhân ở tỉnh xa, ngại đi khám, thêm vào đó việc thăm khám giữa đái tháo đường và chấn thương chỉnh hình chưa có sự gắn kết, người bệnh loét chi thường được chuyển đến chuyên khoa ngoại, chỉ định cắt cụt chi, tránh nhiễm trùng.

Trong khi đó, chuyên khoa nội có nhiều biện pháp xử lý tắc mạch, tránh cho người bệnh  không phải cắt cụt chi hoặc cắt cụt nhiều lần. Người bệnh đái tháo đường, đặc biệt có biến chứng bàn chân cần lưu ý, tùy theo mức độ nặng  hay nhẹ thì 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng phải tái khám 1 lần tại chuyên khoa nội để các bác sĩ chuyên về đái tháo đường và các bác sĩ chuyên về mạch máu can thiệp, tránh phải cắt chi nhiều lần.

Theo Đời sống
back to top