Sai lầm vì ướp hương cho nhà bằng thảo mộc

(khoahocdoisong.vn) - Vào mùa đông, thiếu nắng, lại hay đóng cửa nên nhà thường có mùi hôi mốc rất khó chịu. Để quét sạch hôi mốc và ướp hương cho nhà, nhiều người dùng thảo mộc để chế tinh dầu hoặc phơi khô treo trong nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc ướp hương và khử mùi cho nhà kiểu này không hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng.

Thơm, ấm nhưng không hiệu quả

Nhà cửa thiếu thơm tho, hôi mốc là hiện tượng khá phố biến trong mùa đông do vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Để xử lý mùi hôi mốc đồng thời “ướp hương” cho nhà, nhiều người lựa chọn các loại thảo mộc. Các cách này rất đơn giản, dễ thực hiện.

Với tinh dầu, bạn có thể sử dụng vỏ bưởi, sả, cam thảo lột vỏ, quế, đinh hương, chanh... Đặt một chảo nước trên lửa nhỏ và cho các loại thảo mộc này vào đun sôi. Đun cho đến khi nồi nước tỏa ra hương thơm tự nhiên thì tắt bếp, chắt nước và cất giữ trong tủ lạnh. Mỗi lần dùng chỉ cần lấy ra một ít rồi đun nóng lại sẽ giúp căn nhà tràn ngập hương thơm dịu mát.

Một cách khác là tận dụng cây hoặc vỏ trái cây khô như các loại vỏ cam, quýt, chanh, bưởi, các loại cây thảo dược như lá bạc hà, sả… và đem phơi khô. Sau đó cho chúng vào trong một chiếc bát đặt ở góc phòng nơi đón gió hoặc cho vào túi vải treo lên tường để chúng tỏa mùi thơm. Cách này sẽ hiệu quả trong một thời gian dài, mùi cũng khá dịu nhẹ.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, đây là cách hay để làm thơm nhà bởi các loại thảo mộc này có mùi thơm dễ chịu, không độc hại, rẻ tiền. Không chỉ thơm nhà, mùi thơm của chúng còn tạo cảm giác căn nhà ấp áp trong mùa đông giá lạnh. Tuy nhiên, chúng cũng có một số nhược điểm.

Với tinh dầu chúng có tính bay hơi rất nhanh, mới đầu thơm rất ngào ngạt, nhưng chỉ 1- 2 tiếng sau, mùi thơm sẽ bay hơi hết. Với cây hoặc vỏ trái cây phơi khô khả năng lưu hương tốt hơn nhưng đây có thể lại chính là nguồn phát sinh nấm mốc nếu chúng ta không giữ được chúng khô.

Nhiều người cho rằng, việc bạn treo vỏ bưởi, vỏ cam khô… giống với việc sử dụng các loại túi thơm mà chúng tay hay dùng để trong tủ quần áo là rất sai lầm. Các loại túi thơm công nghiệp chúng ta mua bên ngoài là các sản phẩm đã được xử lý hóa chất nên hầu như không có nguy cơ nấm mốc. Trong khi các loại đồ khô tự làm này rất dễ hút ẩm và phát sinh nấm mốc.

Đặc biệt, các loại thảo mộc này chỉ có khả năng át mùi, nghĩa là hương thơm của chúng làm át mùi ẩm mốc trong căn nhà chứ không có tác dụng diệt trừ nấm mốc, vi khuẩn, nguồn phát sinh mùi hôi cho nhà cửa. “Nhìn chung bạn có thể áp dụng các cách làm thơm nhà kiểu này. Tuy nhiên, phải xác định, đây chỉ là giải pháp tạm thời làm át mùi hôi chứ không giải quyết được tận gốc tình trạng hôi mốc của căn nhà”, ông Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.

Nếu bạn treo vỏ cam, vỏ bưởi… khô trong nhà, bạn phải đảm bảo, phơi thật khô, để nơi thoáng mát, tránh để các nơi kín bí như góc tủ, gầm giường, tủ giày và định kỳ 3- 5 ngày kiểm tra một lần. Nếu thấy phát sinh nấm mốc thì phải vứt ngay.

Tận dụng nắng, gió

Thay vì sử dụng xử lý phòng hôi mốc một cách triệt để, theo ông Nguyễn Thành Vinh, thứ nhất bạn phải giữ nhà cửa luôn sạch sẽ và khô thoáng. Hãy bắt đầu vệ sinh những khu vực tối, ít ánh sáng và thường chứa nhiều đồ trong nhà như gầm cầu thang, gầm giường, tủ chứa đồ, để đảm bảo, chúng gọn gàng, sạch sẽ, khô thoáng, những đồ dùng nào không dùng đến nên thanh lý, vứt bỏ thay vì lưu giữ lại.

Nhiều người có thói quen đồ gì không dùng đến liền tống vào những khu vực tối, khuất là rất sai lầm. Cách này vô hình chung sẽ tạo thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc tấn công.

Thứ hai, hãy tận dụng nắng và gió đảm bảo nhà cửa luôn được thông thoáng. Chúng ta có thói quen đóng kín cửa hoặc chỉ mở cửa duy nhất ở lối vào là rất sai lầm khiến cho không khí trong nhà không thể lưu thông được gây ô nhiễm không khí và tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển.

Vì vậy, đừng quên tác dụng tuyệt vời của nắng và gió. Hãy thường xuyên mở cửa nhà để tận dụng nắng, gió tự nhiên, giúp diệt vi khuẩn và nấm mốc, thông thoáng khí, làm giảm các nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm bầu không khí trong nhà gây ra.

Bạn nên nhớ rằng mùa đông bên cạnh những đợt không khí lạnh gây rét, vẫn có những ngày trời hửng nắng, hoặc ngay trong những ngày rét, trong ngày vẫn có những lúc nhiệt độ nhích lên. Hãy tận dụng khoảng thời gian này, mở thoáng cửa để ánh nắng tràn vào phòng, thậm chí không có nắng, gió cũng giúp làm nhà cửa khô thoáng.

Theo Đời sống
back to top