Sai lầm khi dùng bàn là hơi nước

Bàn là hơi nước ngày càng đang được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, khi sử dụng loại bàn là này, không ít người vẫn mắc sai lầm.

Nhiều người chưa biết cách sử dụng bàn là hơi nước.

Đóng cặn vì nước bẩn

Rất nhiều người sau một thời gian dùng bàn là hơi nước phát hiện bầu chứa nước bị đóng cặn bẩn, thậm chí là xuất hiện rêu mốc. Nguyên nhân là do, sau khi dùng xong, nhiều người không chịu đổ nước đi mà để đó cho lần sau tiện dùng tiếp.

Ngoài ra, hiện tượng đóng cặn là do dùng nước không sạch. Nhiều người cứ nghĩ, nguyên lý cơ bản của bàn ủi hơi nước là sử dụng điện để làm nước bốc hơi và phun xuống bề mặt vải vóc cần ủi vì thế dùng nước máy hay thậm chí nước giếng… đều được.

Tuy nhiên, KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, Đống Đa, Hà Nội cho biết, nước máy, nước giếng thường chứa hàm lượng nhỏ chất bẩn hữu cơ, thậm chí còn là nước cứng, nhiều cặn canxi và các tạp chất khác; ngay cả nước khoáng đóng bình cũng thường chứa hàm lượng nhỏ các loại khoáng chất.

Các nước này nếu sử dụng cho bàn là hơi, lâu ngày chúng sẽ kết tủa, đóng thành cặn làm tắc lỗ phun hơi nước hoặc bám lại bên trong thiết bị, và đi theo hơi nước phun ra làm bẩn quần áo khi là.

Để tránh cho bàn là hơi nước nhanh bị đóng cặn vôi thì tốt nhất là chỉ dùng nước tinh khiết hoặc nước đun sôi để nguội cho lắng cặn để là quần áo. Sau mỗi lần là ủi xong nên dốc hết nước trong bàn là ra vì để nước đọng trong bầu nước lâu cũng rất dễ tạo thành rêu và đóng cặn bẩn.

Trong trường hợp bầu nước đọng cặn, bạn cần vệ sinh ngay. Việc vệ sinh bầu nước của bàn là hơi nước có rất nhiều cách. Bạn có thể khắc phục bằng cách tháo rời đáy bàn là và bầu nước ra. Bầu nước có thể ngâm nước chanh hoặc giấm để tẩy rửa sạch cặn bám. Dùng một que thép nhỏ thông sạch cặn vôi bẩn bám ở các lỗ thông hơi ở đáy bàn là. Cần chú ý tuyệt đối không được ngâm rửa đáy bàn là trong dung dịch tẩy rửa, chanh hay giấm chua vì sẽ làm hỏng lớp chống dính.

Nếu bầu nước không quá bẩn, và các lỗ thông hơi chưa đến mức bị cặn bịt kín thì bạn có thể vệ sinh khá đơn giản. Chỉ cần đổ nước vào bình chứa ở mức Max, để nút hơi nước ở số 0. Cắm điện cho bàn là và vặn nút nhiệt ở mức nóng nhất đến khi rơ-le tự ngưng hoạt động. Sau đó vặn dần nút hơi lên vị trí cao nhất và xả hơi cho đến khi bình nước trong bàn là cạn hết nước. Bằng cách này, cặn bám sẽ nhanh chóng bị tống ra ngoài theo hơi nước.

KS Trương Văn Hùng

Rỉ nước vì vặn sai cách

Không ít người khi vừa cắm điện liền vặn ngay núm hơi. Khi thao tác kiểu này nước chưa đủ nóng để đủ lượng hơi cần thiết, nên nước sẽ chảy ra ở dạng giọt, gây ướt cục bộ, đồng nghĩa với việc tốn thời gian và điện để làm khô.

Theo KS Trương Văn Hùng, để khắc phục hiện tượng này ở bàn là hơi nước khi mới cắm bàn là, hãy chờ đợi vài phút (khi mặt bàn là nóng lên, đủ để nước bốc hơi) rồi hãy điều chỉnh. Ngoài ra, trong sử dụng bàn là hơi nước cần chú ý một số điều sau: Khi cho nước vào ngăn chứa, không để nước quá vạch chỉ định Max.

Nếu có nước bị tràn ra mặt ngoài bàn là, cần lau khô, sạch trước khi cắm điện. Không cho bất cứ một loại hóa chất tạo mùi thơm nào vào bình chứa nước, vì khi gặp nhiệt độ cao hóa chất sẽ ăn mòn các chi tiết bên trong bàn là cũng dễ dẫn đến hiện tượng rò nước.

Biết cách để tiết kiệm và an toàn

Theo ông Trần Phương Hà, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật châu Á, Hà Nội, đa số bàn là hơi nước có công suất từ 900 – 2.500W nên vấn đề tiết kiệm và an toàn cần được đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo an toàn, hãy kiểm tra dây cắm nguồn khi sử dụng.

Sau khi sử dụng, hãy tắt chế độ phun nước và điều chỉnh công suất về mức 0; đồng thời, nhiều người có thói quen, vừa là xong, bàn là còn nóng liền cuộn ngay dây điện quanh bàn là, như vậy rất nguy hiểm, hãy chờ đến khi bàn là nguội hẳn hãy cuộn dây và cất gọn vào nơi quy định.

Ngoài ra, cần có kế hoạch là, ủi quần áo để tránh lãng phí điện. Nên gom quần áo để là chung một lần. Trước khi là nên phân loại quần áo, loại dày là trước, mỏng là sau để tận dụng nhiệt độ bàn là.

Hơn nữa, nên sử dụng nhiệt độ phù hợp với từng chất liệu vải, vừa tiết kiệm điện vừa tránh cho quần áo khỏi cháy do nhiệt độ quá cao. Sau khi ngắt điện bàn là, còn có thể là thêm được 2 bộ quần áo mỏng nữa vì nhiệt độ bàn là giảm chậm.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top