Sách công nghệ giáo dục: Đánh giá theo người học hay hội đồng thẩm định?

(khoahocdoisong.vn) - Sách công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá “không đạt”, loại ngay từ vòng đầu thẩm định. Nhưng ở các địa phương đang sử dụng bộ sách, lại có những đánh giá rất tích cực. Vậy, nên dựa vào đâu để đánh giá bộ sách này?

Sách công nghệ giáo dục không khó, nhẹ nhàng

Phú Thọ là một trong những tỉnh đã áp dụng phương pháp dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 tại tất cả các trường Tiểu học trên địa bàn nhiều năm qua. Kết quả cho thấy: HS nắm bắt cấu trúc ngữ âm tiếng Việt; nắm chắc luật chính tả; các kỹ năng đọc, viết, nghe và nói của HS đều đạt chuẩn trở lên; một số em có các kỹ năng vượt trội được thể hiện rõ nét...

Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trường Tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, thực sự các em rất thích thú, đánh giá dễ hiểu khi học sách Công nghệ giáo dục lớp 1.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, phụ huynh ở phường Thọ Sơn, TP Việt Trì chia sẻ, chị về hỏi các con học thế nào, các con bảo rất là vui, học cũng nhẹ nhàng, không có gì là nặng cả

Ở các tỉnh khác, rất nhiều giáo viên và phụ huynh cũng có chia sẻ tương tự như tỉnh Phú  Thọ. Ông Dương Quốc Nam, nguyên trưởng phòng tiểu học Sở GD&ĐT Ninh Bình chia sẻ với báo chí, hiện Ninh Bình vẫn triển khai tiếng Việt công nghệ ở 100% trường học.

"Tôi nghe nói hội đồng thẩm định bảo sách GS Hồ Ngọc Đại khó với học sinh tiểu học. Tôi không biết căn cứ vào đâu để nói khó vì thực tế học sinh không gặp khó. Trẻ học vui nhộn lắm vì học sinh được tự thao tác cụ thể để ghi lại, chứ không bị áp đặt bởi thầy cô”, ông Nam nói.

Ở một số tỉnh miền núi, sách Công nghệ giáo dục lớp 1 còn có ý nghĩa xóa mù chữ cho các học sinh. 

Sách công nghệ giáo dục lớp 1 đã được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương.

Sách công nghệ giáo dục lớp 1 đã được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương.

Và điều đặc biệt, ngay trong với báo cáo mới nhất của Bộ GD&ĐT trong năm 2019 về tình hình triển khai dạy học Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã nêu rõ thuận lợi là đa số giáo viên đón nhận chương trình giảng dạy theo tài liệu này một cách tích cực, chủ động.

Theo đó, việc dạy học Tiếng Việt 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục có thể phát huy được khả năng tư duy của học sinh. Học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập.

Tài liệu thiết kế bài dạy có quy trình khoa học nên giáo viên thực hiện hiệu quả việc dạy học, kiểm soát được sản phẩm đầu ra thông qua từng hoạt động/việc làm của học sinh.

Nhìn chung, việc triển khai tài liệu này tại các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: nhiều địa phương đã nhân rộng và có nhiều vận dụng linh hoạt trong quá triển khai, giáo viên nắm chắc nội dung, phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng mới, học sinh đọc thông viết thạo, nắm chắc ngữ âm, kĩ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt.

Câu hỏi đặt ra là, một bộ sách nhận được sự hưởng ứng, đánh giá tích cực từ phía người sử dụng cũng như trong chính báo cáo của Bộ GD&ĐT, vậy mà  vẫn bị hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới đánh trượt 15/15, vậy có nên theo đánh giá của hội đồng thẩm định, hay cần có một tiêu chí đánh giá khác?

Phải có điều định tính để có nhận định khách quan nhất

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều người nói Bộ hay hội đồng không nghe ai, không nghe ý kiến đóng góp. Cần thận trọng trong ý kiến đó.

Những nhận định bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tốt là đúng, điều đó là đáng mừng. Nhưng sách giáo khoa cải tiến có yêu cầu rất khác các loại sách khác.

Sách giáo dục phổ thông là loại sách rất quan trọng, luôn luôn phải điều chỉnh đổi mới cho phù hợp.

Lịch sử điều chỉnh sách giáo khoa có nhiều giai đoạn, năm 1981 điều chỉnh một lần, năm 2002 điều chỉnh tiếp và năm nay chúng ta điều chỉnh tiếp để đuổi kịp dòng chảy chung của giáo dục.

Chúng ta phải thừa nhận sức sống của những bộ sách. Nhưng nó có tốt hay không thì chưa khẳng định được.

Theo ông Tình, cần phải có phương pháp điều tra xã hội học, phải có mẫu điều tra và phương pháp điều tra đích đáng để đưa ra kết quả khách quan nhất.

Chất lượng bộ sách cần phải được điều tra. Tuy nhiên, không phải hỏi rằng bộ sách đó có tốt không, dạy tốt không. Mà thông tin quan trọng là chuẩn đầu ra của những người học bộ sách đó được hiển hiện định tính ra sao.

Và nếu điều tra mà có định hướng trước thì rất khó để đưa ra một nhận định khách quan.

 “Về vấn đề sách giáo khoa, như tôi được chứng kiến, các tiêu chí đưa ra cần được bàn luận. Có những lúc, hội đồng tranh cãi không khoan nhượng. Họ có trách nhiệm đưa ra bộ sách cho toàn dân học nên không thể xuề xoà.

Ngay cả bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng có thể điều chỉnh được, nếu như ông thấy rằng có thể sửa theo ý kiến của hội đồng. Có những bộ sách phải sửa đến gần 1.000 chi tiết bởi các thành viên hội đồng đưa ra.

Vì thế chúng ta không nên băn khoăn trong việc phải sửa nhiều chi tiết mà chúng ta chỉ nên băn khoăn việc sửa chi tiết có hướng đến định hướng và có tính khả thi khi sửa hay không”, ông Tình nói.

Ông Tình cho biết, nếu chúng ta xuất phát từ tinh thần cầu thị và tinh thần vì giáo dục thì chúng ta phải xem xét ý kiến của hội đồng có xác đáng và chủ biên có nên lưu ý hay không.

“Giáo sư Hồ Ngọc Đại không có ý định sửa, đó cũng là quyền của chủ biên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi chúng ta tham gia một cuộc thi chúng ta phải tuân theo ý kiến của giám khảo hoặc nếu không đồng tình chúng ta có quyền phúc tra về kết quả đó.

Tôi nghĩ đánh giá bộ sách giáo khoa là vấn đề hệ trọng và chúng ta cần đánh giá thật khách quan”, PGS.TS Phạm Văn Tình.

Còn TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội cho rằng. trong quá trình thẩm định một vấn đề liên quan đến xã hội thì việc lấy ý kiến phản hồi, tác động với xã hội, đối tượng bị điều chỉnh là việc làm cần thiết.

Ví dụ, khi thẩm định một bộ luật, luôn có đánh giá tác động. Tuy nhiên, bất cứ bộ sách, quyển sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới phải biên soạn trên tinh thần giáo dục phổ thông mới, thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ban hành thông qua Thông tư 32, các yêu cầu theo Thông tư 33. Đây là các văn bản quy phạm pháp luật đã được Nhà nước ban hành.

Điều kiện cần là các bộ sách phải đáp ứng các văn bản này, điều kiện đủ là sách giáo khoa khi đã được biên soạn theo tinh thần Nghị quyết 88 thì phải được thực nghiệm, giảng dạy trong thực tế, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện dạy và học.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top