Rượu thục địa bổ thận

(khoahocdoisong.vn) - Thục địa thanh nhiệt, mát máu, bổ can thận là loại thuốc rất phù hợp để ngâm rượu bổ thận chữa di tinh, yếu sinh lý, ù tai, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau xương khớp... cho nam giới.

Thục địa là tên thuốc của rễ (củ) cây địa hoàng đã được chế biến còn có tên gọi khác: Sa nhân mạt bạn, Sao tùng thục địa, Địa hoàng thán.

Theo Đông y thì địa hoàng tươi vị ngọt, đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, mát máu. Sinh địa hoàng có vị ngọt hơi đắng, tính hàn, vào 4 kinh tâm, can, thận và tiểu trường, có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, ức chế huyết đường, lợi tiểu, mạnh tim nên thường được dùng trong các bệnh thiếu máu, suy nhược, tiểu đường, chảy máu, rong kinh, ngày dùng 9 - 15g dưới dạng thuốc sắc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Thục địa hoàng chứa từ 7,5 - 21,58% đường, có vị ngọt, mùi thơm, có tác dụng tư âm, bổ thận, dưỡng huyết, làm đen râu tóc. Ngày dùng 8 - 16g, có thể dùng đến 40g.

Thành phần hóa học trong thục địa gồm có glucose, cacbohydrat,  acid amin và các khoáng chất như mannitol, stigmasterol, campesterol, rehmannin, catalpol, arginine. Người ta đã chứng minh được tác dụng chống đường huyết, tác dụng cầm máu, lợi tiểu, sinh tinh, làm chất kháng sinh của thục địa nói riêng và địa hoàng nói chung.

Tai bị ù hoặc điếc ở một hay cả hai bên dù không có một tổn thương thực thể nào được tìm thấy khi khám tai nhưng lại gây khó chịu vô cùng. Hai chứng trạng này thường gặp ở người có tuổi kèm theo các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, đau vùng cổ gáy... trong các bệnh lý tăng huyết áp hoặc thấp, thiểu năng tuần hoàn não, vữa xơ động mạch, thoái hóa cột sống cổ, suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật...

Theo y học cổ truyền, tai có quan hệ mật thiết với tạng thận, “thận khí thông ở tai, thận hòa ắt sẽ nghe rõ ngũ âm”. Bởi vậy, thính lực tốt hay kém là thể hiện công năng của tạng thận mạnh hay suy. Để phòng chống chứng tai ù, tai điếc, y học cổ truyền trọng dụng thục địa phối hợp với các vị thuốc khác ngâm rượu để bổ thận thông nhĩ, tăng cường thính lực.

Thục địa + lộc nhung + nhân sâm: Nhục dung 20g, nhân sâm 15g, thục địa 15g, hải mã 10g, lộc nhung 10g, rượu trắng 1 lít. Lộc nhung và nhân sâm sấy khô tán nhỏ đem ngâm cùng các vị thuốc khác với rượu, sau chừng 30 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10ml. Công dụng: Ích khí dưỡng huyết, bổ thận tráng dương, trị chứng tai ù, liệt dương, thiểu năng sinh dục...

Thục địa + trầm hương + kỷ tử: Thục địa 25g, trầm hương 2,5g, kỷ tử 60g, rượu trắng 1.750ml. Các vị đem ngâm với rượu trắng trong 10 ngày là dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20ml. Công dụng: Bổ can thận, ích tinh huyết, trị các chứng tai ù, tai điếc, đầu choáng, mắt hoa, di tinh, mất ngủ...

Sinh địa hoàng thang: Sinh địa hoàng 30g, thương nhĩ tử 30g, phòng phong 30g, hoàng kỳ 30g, bạch linh 30g, độc hoạt 30g, ngưu bàng tử sao 30g, ý dĩ 20g, mộc thông 20g, nhân sâm 15g, nhục quế 12g, rượu trắng 1.000ml. Các vị sấy khô tán nhỏ cho vào túi vải, buộc kín miệng rồi đem ngâm với rượu trắng, sau 7 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 10ml. Công dụng: Trừ nhiệt bổ hư, trị chứng tai điếc, đau xương khớp...

BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top