Rụng tóc không liên quan đến mùa thu

Nhiều người cho rằng, mùa thu là mùa rụng tóc nhiều do các yếu tố như thời tiết, môi trường… Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, quan niệm này không có cơ sở khoa học.

Mùa thu không tác động đến tóc

Theo BS Lương Trường Sơn, phụ trách Phòng khám Da liễu Đồng Diều, TPHCM, nhiều người thường liên tưởng mùa thu lá rụng nên tương tự tóc cũng bị rụng. Nhưng hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Bởi sau khi rụng thì lá cây sẽ đâm chồi nảy lộc, đó là quy luật tự nhiên. Trong khi đó, tóc rụng là vì cơ chế bị tổn thương chân tóc như do vi khuẩn, phi vi khuẩn, do hormon… gây ra.

Mùa thu không gây rụng tóc. Ảnh minh họa.

Cụ thể, rụng tóc do vi khuẩn có thể là nhiễm vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, nấm… Các bệnh này không thường gặp vào mùa thu hay nói cách khác mùa thu không phải là yếu tố kích thích các bệnh này phát triển. Còn rụng tóc phi vi khuẩn thường do các bệnh cơ địa là dị ứng, vẩy nến, viêm da tiết bã, dày sừng bẩm sinh, khô da, di truyền… Dị ứng có thể do dầu gội, mỹ phẩm, nhuộm tóc.

Có một số yếu tố gây rụng tóc khác như do nội tiết tố. Ở mỗi giai đoạn nội tiết thay đổi có thể gây rụng tóc nhiều, như tăng nhạy cảm của các hormon sinh dục nam, ở giai đoạn tiền mãn kinh của nữ giới.

“Nhiệt độ, môi trường hay khí hậu mùa thu không ảnh hưởng đến tóc để dẫn đến rụng. Có chăng là do thời tiết hanh khô khiến da đầu khô dẫn đến rụng, nhưng với yếu tố hanh khô có thể xuất hiện rất nhiều trong các mùa, kể cả mùa hè hay mùa đông… Nên nói mùa thu gây rụng tóc là chưa có cơ sở khoa học”, BS Lương Trường Sơn nhấn mạnh.

Nhìn sợi tóc rụng để đoán nguyên nhân
BS Lương Trường Sơn cũng cho hay, hiện đang có quan niệm phải rụng hơn 100 sợi mỗi ngày mới xem là rụng tóc. Điều này cũng chưa phù hợp. Rụng tóc là số tóc rụng nhiều hơn bình thường, tức là có sự bất thường ở đó. Có 3 dạng rụng tóc mà chúng ta chú ý để từ đó suy đoán ra nguyên nhân cũng như thay đổi thói quen hay đi khám nhằm hạn chế tối đa nhất. Đó là rụng chân tóc, rụng thân và đuôi tóc.

Nhìn sợi tóc rụng có thể biết nguyên nhân gây nên. Ảnh: Trần Hải.

Rụng chân tóc thường do các bệnh lý gây ra, ví dụ như bệnh nấm, vi khuẩn liên cầu… Các bệnh này sẽ phá hủy nang tóc dẫn đến sợi tóc bị thiếu chất dinh dưỡng. Tùy vào cách thức rụng như rụng từng mảng hay hình vòng tròn, oval kèm theo sẩn đỏ là do bệnh lý.

Còn rụng ở vùng da phía trước đầu nhiều hơn sau theo kiểu có thể gây hói là do nội tiết. Ở các trường hợp này cần được thăm khám để điều trị bệnh hoặc dùng các phương pháp ngăn ngừa rụng nhiều hơn.

Đối với rụng thân và đầu tóc, còn gọi là gãy tóc, BS Lương Trường Sơn cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do tác động hóa chất và lực tác động. Ví dụ như do quá trình uốn ép tóc nên thân tóc bị tổn thương, yếu dẫn đến gãy. Hoặc do tác động như buộc dây quá chặt, cầm nắm, giật tóc…

Bằng quan sát sợi tóc rụng, chúng ta có thể khắc phục bằng cách cung cấp dưỡng chất cho thân tóc, giảm lực lên tóc.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, tùy vào cơ địa để sử dụng dầu gội và dầu xả, dưỡng một cách hợp lý. Ví dụ, mùa khô hanh nên dùng dầu gội nhiều dưỡng. Còn vào những đợt nồm ẩm thì nên dùng dầu gội ít dưỡng để tránh làm ẩm da đầu và bết tóc. Việc giữ cho da đầu ở trạng thái cân bằng sẽ hạn chế được tình trạng rụng tóc.

“Mùa hè thường có độ ẩm cao hơn mùa thu, do đó khi sang giai đoạn thời tiết này nếu thấy cần thiết thì chú ý đổi dầu gội. Tốt hơn nữa, trong nhà nên có hai loại dầu gội để phù hợp với thời tiết ngày gội”, BS Lương Trường Sơn.

                                                                                                                                                  Hiền Dung

Theo Đời sống
Sự thật ít người biết về rắn cườm

Sự thật ít người biết về rắn cườm

Mặc dù không độc, nhưng rắn cườm thường bị nhầm lẫn với rắn lục cườm, một loài rắn thực sự độc hại. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp "chết oan" khi con người lầm tưởng rằng rắn cườm cũng độc.
back to top