Rét kéo dài khiến dịch bệnh dễ lây lan

(khoahocdoisong.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, diễn biến thời tiết trong những ngày tới là hiện tượng mưa phùn kèm theo rét, độ ẩm cao. Đây là kiểu thời tiết lý tưởng cho virus corona sinh sôi.

Rét kéo dài khiến dịch bệnh dễ lây lan

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, rét mướt ở miền Bắc có thể kéo dài đến hết tuần này. Khu vực rét đậm trong ngày 4/2 khi nền nhiệt tại đồng bằng có thể xuống thấp nhất là 14-16 độ C, sau đó nhích dần lên 15-19 độ C. Không khí lạnh kèm theo mưa khiến cảm giác giá buốt rõ rệt hơn. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng. Đà Nẵng đến Bình Thuận duy trì kiểu thời tiết ít mưa, ban ngày trời nắng. Nền nhiệt ổn định ở mức 20-29 độ C, trời lạnh về đêm. Trong khi đó, thời tiết Tây Nguyên và Nam Bộ không có nhiều thay đổi so với tuần trước. Hai khu vực này chủ yếu có nắng, ít nguy cơ xảy ra nắng nóng khi nhiệt độ thấp nhất ở mức 21-24 độ C, cao nhất 31-34 độ C.

Theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm, tháng 2 còn khoảng 2 - 4 đợt rét đậm nữa. Riêng đợt rét hiện tại sẽ kéo dài đến hết tuần này. Trong khoảng thời gian giao mùa, khả năng xảy ra tranh chấp mạnh mẽ giữa khối không khí nóng và lạnh, làm tăng độ bất ổn định của khí quyển, gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa giông, mưa đá.

Việc miền Bắc duy trì kiểu thời tiết rét buốt trong nhiều ngày khiến các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về việc virus và dịch bệnh có khả năng lây lan cao hơn. GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết nếu dịch bệnh bùng phát ở miền Nam thì mức độ lây lan sẽ ít hơn do thời tiết nắng ấm. Trong khi đó, dịch bệnh ở miền Bắc thì cần đề phòng vì thời tiết lạnh sẽ thuận lợi cho virus phát triển.

Chọn khẩu trang chống virus

Sử dụng khẩu trang được khuyến cáo là cách phổ biến nhất để phòng tránh nhiễm bệnh. Việc sử dụng khẩu trang như thế nào là đúng, để chống được virus an toàn, là điều không nhiều người biết. PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, cũng giống như bệnh SARS và MERS là bệnh lây qua đường hô hấp nên khẩu trang là một công cụ phòng ngừa. Kích thước của virus nCoV là 80-160 nm. Với kích thước này nó dễ dàng lọt qua các loại khẩu trang thông thường hoạt động theo cơ chế lọc đơn thuần như khẩu trang trôi nổi.

“Giá trị thực tế của khẩu trang thông thường mà mọi người đang dùng chỉ đơn thuần là làm chậm lại quá trình thâm nhập của virus từ môi trường mà thôi. Tuy nhiên, khẩu trang loại này lại tồn tại một nghịch lý nguy hiểm  là trong quá trình sử dụng, virus được tích lũy ngày càng nhiều trên khẩu trang, biến khẩu trang thành nguồn ô nhiễm nặng hơn, dễ lây bệnh hơn nếu không vứt ngay sau khi sử dụng. Do đó các nhà khoa học đã đề xuất giải pháp diệt virus bám vào khẩu trang để loại trừ khả năng gây bệnh. Khẩu trang loại này được gọi là khẩu trang diệt khuẩn (Antibacterial, anti-flu mask). Nhiều vật liệu diệt khuẩn đã được thử nghiệm như clo, nano bạc, nano TiO2… Loại khẩu trang nano TiO2 là vật liệu có thể phân hủy mọi loại virus, vi khuẩn thành hơi nước và khí cacbonic. Hoạt động theo cơ chế quang xúc tác nên vật liệu không bị tiêu hao. Sản phẩm phân hủy là các chất khí bay hơi nên bề mặt tự sạch. Nhờ các đặc tính này hoạt tính kháng khuẩn của nano TiO2 không bị suy giảm theo thời gian nên nó là vật liệu thích hợp nhất để chế tạo khẩu trang diệt khuẩn”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Khi không có khẩu trang nano TiO2, chúng ta có thể tạm thời chọn khẩu trang theo nguyên tắc: Khẩu trang càng dày càng an toàn, càng nhiều lớp càng an toàn, càng ôm khít mồm mũi (nhưng thông thoáng) càng an toàn và quan trọng nhất là chỉ sử dụng một lần trong một thời gian ngắn rồi thay mới càng nhanh càng tốt, khi virus từ lớp ngoài chưa kịp dịch chuyển vào đến mặt trong của khẩu trang.

Theo Đời sống
back to top