Rác thải “tấn công” Côn Đảo và Phú Quốc

Mỗi năm, Côn Đảo và Phú Quốc thu hút một lượng lớn khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Tuy nhiên, chính quyền sở tại đang đau đầu vì nạn ô nhiễm, nhưng không tìm ra hướng giải quyết.

Côn Đảo muốn chở rác về bờ

Bãi rác Côn Đảo gần như nằm lọt trong thung lũng, bao quanh ba phía là những dãy núi, phía trước là biển Bãi Nhát. Ngoài rác dễ phân hủy còn có những loại khó phân hủy như chai nhựa, nilon.

Côn Đảo muốn thu phí khi khách chuẩn bị ra đảo để nâng cao ý thức với môi trường.

Côn Đảo muốn thu phí khi khách chuẩn bị ra đảo để nâng cao ý thức với môi trường.

Bên trong bãi rác có một lò đốt rác nhỏ. Một công nhân xử lý rác ở đây cho hay mỗi ngày lò đốt này chỉ xử lý hết khoảng 1/3 lượng rác được chở đến. UBND huyện Côn Đảo cho biết bãi tập kết rác rộng gần 4.000m2 và đã sử dụng để chôn rác hơn 20 năm qua, đến nay diện tích chỉ còn khoảng 300m2.

Trong khi đó, lò đốt rác ở đây chỉ xử lý được khoảng 5 tấn/ngày nhưng lượng rác thải phát sinh trên đảo lên đến 15 tấn nên đến đầu 2018, ước tính bãi rác này chứa khoảng 70.000 tấn.

Đáng chú ý, bãi rác này đã phát sinh các hiện tượng ô nhiễm môi trường như: có mùi hôi, nước rỉ rác chảy qua đường, xuống biển Bãi Nhát – là bãi tắm đẹp, thu hút du khách. Ngoài ra, bãi rác này nằm sát bên bia di tích lịch sử ghi cuộc vượt ngục võ trang của 198 người tù khổ sai vào ngày 12/12/1952.

Những “núi rác” ở Côn Đảo vẫn là bài toán khó.

Những “núi rác” ở Côn Đảo vẫn là bài toán khó.

Mới đây, UBND huyện Côn Đảo đã trình phương án đưa lượng rác ứ đọng về đất liền xử lý bằng cách ép rác thành bánh, đóng thành kiện và đưa về đất liền bằng tàu thủy để xử lý chôn lấp tại khu xử lý rác thải tập trung ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Côn Đảo, nếu đưa số rác trên về đất liền, số tiền khái toán khoảng 35 tỉ đồng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu UBND huyện Côn Đảo có tính toán cụ thể, trình để thẩm định lại.

Phú Quốc còn tồn 2 núi rác

Vùng biển Kiên Giang rộng trên 63.200km2, có 145 hòn đảo lớn nhỏ, 47 đảo có dân sinh sống. Đảo lớn nhất là Phú Quốc với diện tích gần 590km2, dân số ước tính trên 100.000 người.

Du lịch Phú Quốc tăng chóng mặt, với dự án, du khách tăng cao khiến rác thải vùn vụt tăng theo. Năm 2014, ước tính mỗi ngày cư dân và du khách trên đảo Phú Quốc thải ra khoảng 140 tấn rác, đến nay còn số này vào khoảng 200 tấn/ngày. Không có nhà máy rác, gần như toàn bộ rác thải trên đảo Phú Quốc dồn về 2 bãi chứa tạm ở xã Cửa Cạn và thị trấn An Thới.

Bãi rác ở đảo Phú Quốc.

Bãi rác ở đảo Phú Quốc.

Ông Đặng Ngọc Thắng, phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, cho biết đến nửa cuối năm 2017, đảo Phú Quốc mới có dự án nhà máy xử lý rác thải rộng khoảng 10ha ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh.

Tuy nhiên, nhà máy này mất hơn 1 năm rưỡi để vận hành thử nghiệm, có lúc phải tạm dừng để bổ sung thiết bị. Sau khi thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư mới, hơn 1 tháng nay, nhà máy rác Bãi Bổn đã vận hành tiếp nhận khoảng 130 tấn rác mỗi ngày.

Ông Nghiệp cho hay, sắp tới, Phú Quốc sẽ kêu gọi đầu tư thêm 1 nhà máy xử lý rác ở xã Dương Tơ, quy mô rộng khoảng 7ha. Riêng với 2 núi rác ở 2 bãi chứa tạm tại Cửa Cạn và An Thới đã có doanh nghiệp tài trợ 40 tỉ đồng để đốt hết, tránh ô nhiễm môi trường.

Ngoài đảo Phú Quốc đã tạm ổn với vấn đề rác thải, hiện chỉ có xã đảo Tiên Hải (thuộc thị xã Hà Tiên) và đảo Củ Tron thuộc xã An Sơn (huyện Kiên Hải) là có lò đốt rác công suất khoảng 2-2,5 tấn/ngày. Tại nhiều đảo thuộc huyện Kiên Hải vốn đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách, hình ảnh rất dễ bắt gặp ngay trên cầu tàu dẫn vào đảo chính là rác. Rác thải tấp thành từng đống nổi lềnh bềnh ở cầu tàu xã An Sơn, Lại Sơn… bốc mùi hôi nồng nặc.

Vì sao khó xử lý rác?

Một cán bộ môi trường cho hay, vấn đề xử lý rác tại Côn Đảo đã được nhận thấy từ lâu, cả chục năm nay nhưng cứ loay hoay mãi nên đến bây giờ vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Theo tìm hiểu, chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã kêu gọi xã hội hóa xử lý rác thải sinh hoạt ở Côn Đảo từ lâu nhưng chưa có nhà đầu tư nào tham gia. Theo cán bộ trên, doanh nghiệp đầu tư xử lý rác phải có lãi trong khi xử lý rác ở Côn Đảo lãi thấp hơn so với đất liền trong khi suất đầu tư cao nên họ không mặn mà.

Trong khi đó yêu cầu xử rác ở Côn Đảo là cấp bách để giữ gìn môi trường. Một cán bộ đề xuất, xử lý rác có ba cách: chôn lấp, xử lý vi sinh và đốt. Tại Côn Đảo, phương pháp đốt là hợp lý vì đất ít, lại là vùng di tích lịch sử đặc biệt, có tính chất tâm linh.

Tháng 1/2019 Phú Quốc đóng cửa bãi rác ở xã Cửa Dương và tiếp tục đầu tư và hoàn thiện nhà máy xử lý rác thải ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh.

Tháng 1/2019 Phú Quốc đóng cửa bãi rác ở xã Cửa Dương và tiếp tục đầu tư và hoàn thiện nhà máy xử lý rác thải ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh.

Bài toán xử lý rác vẫn chưa có lối ra, còn lượng rác cứ tăng dần theo nhu cầu du lịch, nhất là sau khi  có thêm các chuyến tàu cao tốc đi từ Sóc Trăng, Vũng Tàu ra. Đầu tháng 3/2019, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất với UBND huyện Côn Đảo thu phí du khách ra Côn Đảo ngay từ đất liền thay vì chỉ thu phí những ai vào thăm quan di tích, vườn quốc gia như hiện nay.

Trong khi đó, ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, ngay khi bắt đầu kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc, lãnh đạo địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác.

Tuy nhiên, cách đây 10 năm, tìm được 1 doanh nghiệp trong nước chịu đầu tư xử lý rác là không dễ. Phải đến những năm gần đây việc xử lý rác tập trung trên quy mô hàng chục, hay hàng trăm tấn mỗi ngày mới dần dần trở thành hiện thực.

Một trong những vấn đề mà nhiều nhà đầu tư vào nhà máy rác gặp khó là công nghệ và vốn. Gần đây, tỉnh Kiên Giang đã cấp chủ trương cho một số nhà đầu tư xử lý rác theo công nghệ hiện đại, có thể đốt tới 90% lượng rác. Vấn đề còn lại là các địa phương phải dành quỹ đất và nguồn lực thích hợp để xử lý rác.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết ngoài việc gom thu phí về một mối, đề xuất thu phí du khách ra Côn Đảo ngay từ đất liền để mọi người ra đảo có trách nhiệm với hệ sinh thái, với môi trường, với việc xử lý rác thải.

Theo Đời sống
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
back to top