Quy trình xả lũ không thể tùy tiện

(khoahocdoisong.vn) - Thời gian qua, nhiều kênh thông tin đăng tải ý kiến về phát ngôn của một kỹ sư cho rằng các hồ chứa thủy điện của Việt Nam cứ đến mùa mưa bão là xả lũ, gây thiệt hại cho hạ du. Theo các nhà khoa học, thủy điện xả lũ cần quy trình, không thể tùy tiện.

GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Đập lớn & Phát triển Nguồn nước Việt Nam cho biết, hiện nay, người vận hành hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành, trong đó quan trọng nhất là biểu đồ điều phối nước hồ chứa. Trên biểu đồ có 3 vùng: Vùng xả lũ, vùng vận hành bình thường và vùng hạn chế cấp nước. Tư vấn dựa trên tài liệu liệt thuỷ văn, đặc tính hồ chứa và nhu cầu cấp nước hạ du để xây dựng biểu đồ này. Người vận hành căn cứ nhu cầu nước, mực nước hồ và thời tiết tháng/ngày để đưa ra quyết định vận hành.

Xả lũ có quy trình chặt chẽ.

Xả lũ có quy trình chặt chẽ.

Ngoài các tính toán lý thuyết, các chủ sở hữu đập còn phải trang bị thêm cho họ các công cụ hỗ trợ vận hành hồ chứa. Trước hết là trang bị (lắp đặt) thêm các trạm quan trắc mưa trong vùng lòng hồ/lưu vực hứng nước và kể cả ở hạ du. Dựa vào thông tin mưa trên lưu vực người vận hành có thể biết được mấy giờ nữa nước lũ sẽ về đến đập và họ đưa ra quyết định vận hành một cách chủ động/sớm/trước theo kinh nghiệm của họ.

Để hỗ trợ cho việc xả lũ hồ Hòa Bình, hàng năm về mùa lũ có một nhóm các kỹ sư đến từ 6 cơ quan (Viện, Trường....) túc trực tính toán diễn biến mưa lũ để cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đặt tại Bộ NN&PTNT. Tại Huế cũng có bộ phận tương tự như vậy. Một công nghệ mà chúng ta đang hướng đến là vận hành theo thời gian thực (real-time operation). Hiện tại, có một số dự án đang lập cho một số hệ thống quan trọng. Ví dụ: các bậc thang trên Sông Đà, cụm liên hồ ở Huế… Do đó, hồ chứa góp phần điều tiết lũ, không có chuyện cứ mưa bão là xả lũ như nhiều thông tin chia sẻ.

Theo Đời sống
back to top